Vui lòng khai báo chính xác tên truy cập và mật khẩu!

Quên mật khẩu?
Sau khi đăng ký xong vui lòng vào
thông tin cá nhân ở phần menu bên
góc phải diễn đàn để cập nhật thông tin !

Bạn phải điền đầy đủ thông tin đăng ký!

  

xqnoel

    [Sách hay] Giá Trị Bền Vững

      Đại ka Forum
      Vip Member

      Gender : Nữ

      Posts : 7493

      Points : 116345

      Liked : 7676

      : 18/04/1993

      #1

       18/6/2012, 12:07

      Chỉ trong vòng hơn hai thập kỷ gần đây, một loạt biến động hoặc có thể dự kiến (toàn cầu hóa, hiệp ước trao đổi thương mại song/đa phương, tiến bộ công nghệ, khan hiếm thực phẩm và nguyên liệu…) hoặc xảy ra bất ngờ (khủng hoảng tín dụng, kinh tế thoái trào, biến đổi khí hậu, khủng bố…) đã thay đổi sâu sắc cục diện doanh thương toàn cầu, khiến các doanh nghiệp đủ mọi loại hình và phạm vi hoạt đông trên thế giới phải thay đổi tư duy và mô hình phát triển doanh thương (business model) của mình. Sự thay đổi căn bản có tính cách chiến lược này được xem là tất yếu (sine qua non) để các doanh nghiệp dù đã có truyền thống lâu dài (IBM, Shell, Coca-Cola, P&G, Unilever, BP…) hay các công ty nhỏ và mới thành lập, có thể sống còn, tăng trưởng và tồn tại trong bối cảnh tình hình cạnh tranh càng ngày càng tăng, từ nhiều nguồn và dưới nhiều hình thức.

      [Sách hay] Giá Trị Bền Vững 1
      Trong bối cảnh phức tạp đó, khái niệm “thị trường” truyền thống (chủ yếu gồm khách hàng và nhà cung cấp) và “mục tiêu tối hậu” (bottom-line) của doanh nghiệp (tạo lợi nhuận) được nới rộng, bao gồm thêm các “yếu tố mềm”, tuy không liên quan lắm đến tài chánh (non-financial), nhưng lại là những yếu tố quyết định sự thành bại của doanh nghiệp trong trường kỳ. Ngôn ngữ quản lý kinh doanh được bổ sung thêm khái niệm “tác nhân liên quan” (TNLQ, stakeholders), “phát triển bền vững” (PTBV, sustainable development) và “trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp” (TNXHDN, corporate social responsibility, CSR).

      Dưới sức ép của cạnh tranh đa phương (do toàn cầu hóa), giá cả nguyên liệu không ngừng gia tăng (do khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên bất hợp lý) và những vấn nạn xã hội, doanh nghiệp sẽ phải đương đầu với mức lợi nhuận càng ngày càng thu hẹp, nếu không tìm được lối ra thích ứng, có thể dẫn đến nguy cơ phá sản. “Lối ra” đó phải dựa trên những “giá trị bền vững” (sustainable values) bằng cách xây dựng, phát triển và củng cố những mối liên hệ mới với những TNLQ ngoài truyền thống. Tương quan đó bao gồm người tạo ra sản phẩm và dịch vụ (doanh nghiệp), người tiêu thụ sản phẩm và dịch vụ (cộng đồng) và người cung cấp vật liệu sản xuất (trái đất). Mô hình phát triển doanh thương mới bổ sung cho công thức tăng trưởng thông dụng (giá cả, chất lượng và đa dạng hóa) và được phát huy trên nền tảng bền vững khi thoả mãn được yêu cầu của cả ba yếu tố con người (People), trái đất (Planet) và lợi nhuận (Profit) theo đề xuất The Triple P’s của J. Elkington[1].

      “Giá trị bền vững” này được phát triển tối đa một khi doanh nghiệp có khả năng tích hợp hài hòa cả ba yếu tố kinh tế, môi trường và xã hội trong chiến lược ngắn và dài hạn của mình. Sự thành công của việc thực hiện chiến lược đó cũng sẽ được đo lường dựa trên mức độ hài lòng của tất cả tác nhân liên quan, được thể hiện qua hình ảnh (image) và thanh danh (reputation) của doanh nghiệp được cộng đồng công nhận. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, trong dài hạn những “yếu tố mềm” này, khi được tích lũy, sẽ biến thành “tích sản bền vững” (sustainable assets) có thể thay thế “sức mạnh tài chánh”, đã trở thành mong manh trong hoàn cảnh bất ổn hiện nay. Trong khái niệm đó, doanh nghiệp chỉ đáp ứng được kỳ vọng và yêu cầu của xã hội với những sản phẩm “sạch hơn, an toàn hơn và xanh hơn”.

      Một cách tổng quát, khái niệm TNXHDN dựa trên nhận thức rằng doanh nghiệp là một thành phần của xã hội có tiềm năng đóng góp tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu và kỳ vọng của cộng đồng dân cư (nguồn cung cấp khách hàng) một cách hữu hiệu nhất, để vừa đem lại lợi nhuận (profit) cho doanh nghiệp, vừa tạo được phúc lợi (welfare) cho công cuộc phát triển xã hội nói chung. TNXHDN không dừng lại ở thái độ tuân thủ luật pháp (compliance) một cách thụ động, mà còn khuyến khích các doanh nghiệp phát huy sáng kiến và trù liệu các phương án dự phòng để tránh những tác hại khôn lường có thể xảy ra, dưới một hình thức cam kết tự nguyện (voluntary commitment) về nhận thức và chương trình thực hiện trách nhiệm xã hội của mình đối với cộng đồng và trái đất.

      Có thể nêu ra từ lịch sử doanh thương thế giới vô số trường hợp điển hình, theo đó nhiều doanh nghiệp đã “chạy theo lợi nhuận” mà “bỏ qua trách nhiệm xã hội” của mình (chẳng hạn Hooker Chemical, Love Canal, New York, Mỹ, 1978; Union Carbide, Bhopal, Ấn Độ, 1984; Shell, Niger Delta, Nigeria, 2006; Vedan, Đồng Nai, Việt Nam, 2008; và BP, Texas, Mỹ, 2010), gây thiệt hại trầm trọng về vật chất và thanh danh cho doanh nghiệp, khó có thể phục hồi. Trong nhiều trường hợp, chính thanh danh của doanh nghiệp và lòng tin cậy trung thành của cộng đồng tiêu thụ đã tiếp trợ cho doanh nghiệp vượt qua cơn khốn khó và trường tồn bền vững, chứ không phải hoàn toàn từ sức mạnh tài chánh, dù công ty đó lớn và ảnh hưởng đến đâu.

      Trong thực tế, những lợi ích do TNXHDN đem lại cho doanh nghiệp rất cụ thể, cụ thể nhất là: gia tăng giá trị và thanh danh của nhãn hiệu; tăng cường sự cam kết của nhân viên; cải thiện thành quả tài chánh (do giảm thiểu chi phí vận hành) và tăng giá trị cổ phiếu; đảm bảo sự bền vững cho doanh nghiệp và xã hội; quản lý rủi ro và khủng hoảng hữu hiệu hơn; gia tăng năng suất, tinh thần và lòng trung thành của nhân viên; tăng cường khả năng thu hút tài năng; duy trì mối liên hệ tốt đẹp với chính quyền và cộng đồng; và cung cấp một lợi khí cho doanh nghiệp hội nhập vào kinh tế toàn cầu.

      Trong điều kiện khung pháp lý và thi hành luật pháp ở Việt Nam vẫn còn bất cập, việc sử dụng nhiều vật liệu có chất độc hại và xử lý chất thải trong qui trình sản xuất còn tùy tiện và bừa bãi, thì việc phổ biến nhận thức và thực hiện các nguyên tắc TNXHDN có thể xem là một nhu cầu cấp thiết giúp cho các doanh nghiệp có thể phục hồi và duy trì thế đứng trên thị trường trong và ngoài nước.

      Mặt khác, trong hoàn cảnh thiếu vắng một tư duy và chiến lược phát triển kinh doanh hữu hiệu cho doanh nghiêp Việt Nam (không phân biệt ở cấp vĩ mô hay vi mô, hình thức quốc doanh hay tư nhân; qui mô lớn, vừa hay nhỏ), bản dịch cuốnSustainable Value: How the World’s Leading Companies are Doing Well by Doing Good, của Chris Laszlo, do Ban tu thư, trường Đại học Hoa Sen xuất bản, đã ra đời thật đúng lúc.

      Qua những ví dụ cụ thể và với một lối trình bày gọn gàng và khúc chiết, Laszlo đã lý giải làm thế nào những công ty dẫn đầu toàn cầu như DuPont, Wal-Mart, Lafarge và Cargill’s NatureWorks đã tạo được những “giá trị bền vững” cho mình, lại vừa có thể tích lũy giá trị cho các cổ đông (shareholders) và các tác nhân liên quan (stakeholders). Theo tác giả, những doanh nghiệp này đã “phát triển có hiệu quả nhờ làm ăn đàng hoàng” (doing well by doing good), bằng cách tạo giá trị bền vững ngoài các hoạt động tuân thủ luật pháp hoặc tiết kiệm năng lượng thông thường.

      Cuốn sách rất hữu ích này được phân làm ba phần. Phần I kể lại câu chuyện của một quản lý viên nữ, trẻ tuổi về những thách thức thực tế mà bà đã phải đương đầu để vừa thoả mãn yêu cầu của tác nhân liên quan (xã hội và môi trường), đồng thời vẫn có thể tạo lợi nhuận để được lòng cổ đông. Trong Phần II, cung cấp kinh nghiệm thực tế của một số công ty toàn cầu lớn đã chuyển đổi thành công những thử thách xã hội thành những cơ may lớn cho doanh nghiệp của mình. Phần cuối của cuốn sách giới thiệu cẩm nang (từng bước một) để giúp các nhà quản lý doanh nghiệp tạo dựng và duy trì “giá trị bền vững” trong môi trường cạnh tranh mới.

      Dựa trên kinh nghiệm tư vấn cho hàng trăm doanh nghiệp và hàng ngàn giám đốc điều hành cho đủ loại công ty trên thế giới, Laszo không cung cấp cho độc giả một cuốn sách thuần giáo khoa, mà là một tập hợp những kinh nghiệm quản lý, được minh chứng bằng những ví dụ cụ thể, đầy thuyết phục và rất dễ ứng dụng, nhất là cho giới doanh nghiệp Việt Nam hiện đang phải đương đầu với những thử thách mới.

      (Giới thiệu cuốn sách “Giá trị bền vững” của Chris Laszlo; Bùi Thanh Châu dịch; NXB Thời Đại, Đại học Hoa Sen và Phương Nam Books liên kết ấn hành, 2011)

      Trương Quang
      Emeritus Professor, Trường Quản lý Maastricht, Hà Lan
      Nguồn: Hoa Sen