Vui lòng khai báo chính xác tên truy cập và mật khẩu!

Quên mật khẩu?
Sau khi đăng ký xong vui lòng vào
thông tin cá nhân ở phần menu bên
góc phải diễn đàn để cập nhật thông tin !

Bạn phải điền đầy đủ thông tin đăng ký!

  

xqnoel

    [Full] Hành Trình Qua Cánh Đồng Chết

      Đại ka Forum
      Vip Member

      Gender : Nữ

      Posts : 7493

      Points : 116345

      Liked : 7676

      : 18/04/1993

      #1

       27/7/2011, 20:18

      First topic message reminder :

      Tác Giả: Chanrithy Him

      Cuộc hôn nhân tương lai của cha mẹ tôi đã được quyết định sẵn từ khi hai người còn bé. Cha mẹ của cả hai người bảo họ rằng ngày sau họ sẽ lấy nhau. Cả hai gia đình đều thuộc loại khá giả vì thế cuộc hôn nhân này được chuẩn bị rình rang. Có người cho rằng họ được kết đôi với nhau vì hai anh em Kong Houng và Kong Lorng không muốn tài sản của họ bị phân tán. Bằng cách đó của cải của gia đình vẫn được tập trung. Và trong truyền thống Cambodia, anh em họ lấy nhau là chuyện thường.
      May thay tình cảm của cha tôi cũng phù hợp với ý tưởng của các vị tiền bối. Khi Pa mười bảy tuổi, ông yêu Mak, bà là một cô gái sáng láng, ý tưởng mạnh mẽ. Khi còn bé, bà thường lén đến chùa để học đọc và viết tiếng Khmer, và đọc tiếng Pali, ngôn ngữ được dùng trong kinh sách của Cambodia. Lớn hơn bà còn học được tiếng Pháp nữa, vốn là một điều cấm đối với phụ nữ. Thường thì cha mẹ không muốn con gái mình học chữ vì sợ nó sẽ viết thư tình trước khi họ có cơ hội thu xếp cho con một cuộc hôn nhân thích hợp. Bằng mọi cách, Mak đã thách đố điều đó, bí mật tự học một mình.
      Đó là cô gái mà Pa yêu thương – một cô gái trẻ trung, sáng láng, dám nói ý kiến mình. Xem ra khó có vẻ là một cô dâu kín đáo, e dè theo truyền thống Cambodia. Nhưng chính Pa cũng là người biết mình muốn gì. Ông kiên nhẫn chờ cha mẹ mình thực hiện lời hứa, thu xếp để cưới Mak. Theo truyền thống, họ phải sang gia đình Mak để xin làm lễ hỏi chính thức. Nhưng nghi thức ấy kéo dài quá lâu. Pa không thể chờ đợi được. Ông bèn đến nhà người cô ông yêu mến nhất là bà Om, ở làng Srey Va. Ông xin bà đứng làm chủ hôn cho mình, để xin bà Srem và ông Lorng. Hiểu rõ cả tận đáy sâu của tình yêu và nỗi sợ hãi của đứa cháu mình – sợ bất cứ người đàn ông nào vào lúc nào đó sẽ xin cưới Mak – bà cô này liền lấy thuyền đến làng Prey Ronn. Thật ra trông bà chẳng giống sứ giả tình yêu một chút nào, nhưng bà rất hữu hiệu.
      Cha mẹ Mak đồng ý cho xúc tiến đám cưới. Nhưng truyền thống Cambodia thì phải bắt buộc tuân theo. Cha mẹ Pa, tức Kong Houng và Yiey Khmeng được yêu cầu phải có sự chấp thuận chính thức của cha mẹ Mak. Được phép, thế là vào tuổi mười bảy, cuối cùng Pa đạt được ước nguyện, ông lấy Mak, một cô dâu mới mười bốn tuổi và còn hơi bối rối.
      Pa mang vợ về Year Piar sống với cha mẹ mình. Hoặc vì sợ hãi, hoặc đơn giản chỉ vì bà còn quá trẻ không thích hợp được với cuộc sống gia đình, Mak lập tức bỏ chạy về lại với cha mẹ mình. Nhưng bà ngạc nhiên vì mẹ bà lập tức mang bà trở lại về nhà chồng ngay. Về sau Mak thường cười về chuyện này. Nhưng bà cũng nhớ rõ những nghĩa vụ nặng nề mà mẹ chồng trông chờ ở bà.
      Quả thật bà Khmeng hẳn đã chờ đợi rất nhiều ở Mak, quên bẵng là Mak còn quá trẻ. Theo phong tục Cambodia, nơi trán của những đứa bé mới sinh được đánh dấu bằng một thứ nước từ rễ cây gọi là Paley có màu vàng nghệ. Đây là nơi phần mềm trên đầu đứa bé, và người ta tin rằng nước rễ cây sẽ giúp cho sọ của nó cứng hơn. Tất nhiên khi đứa bé lớn lên thì chất bột trên trán cũng rớt đi. Khi Mak lấy chồng, có thể nói chất bột paley trên trán bà vẫn chưa rơi hết, nhưng điều đó cũng không khác biệt gì mấy. Các bà mẹ chồng thường đòi hỏi rất nhiều, và họ chi phối tất cả. Một người đàn bà không chỉ lấy chồng, mà còn lấy cả gia đình chồng. Thế nhưng Pa không nhìn theo cách đó, ông là người đàn ông có gan quay lưng với những tập tục mà ông không đồng tình. Vào thời gian đó, họ có hai người con, cả hai đều chết. Đứa con thứ ba là một đứa bé gầy nhom, ốm yếu. Pa và Mak ít hy vọng đứa bé gái này sống sót, nhưng cô bé này đã làm cha mẹ ngạc nhiên, cô có tên tục là Chea, có nghĩa là “lành”. Với đứa con thứ ba ốm yếu này, Pa và Mak rời Year Piar.
      Họ khởi đầu cuộc hành trình, bỏ lại phía sau sự bảo đảm về mặt tài chính của gia đình để đi tìm con đường riêng, để tạo ra một cuộc sống riêng của mình. Họ đi đến Phnom Penh. Cay đắng trước những đòi hỏi không nhượng bộ của cha mẹ họ, Pa và Mak thực hiện lời thề trên cầu Preah Monivong: nếu không thành công trong cuộc đời, họ sẽ không bao giờ trở lại Year Piar để gặp lại cha mẹ họ nữa. Họ sẽ tự sát, nhảy xuống dòng nước sâu đang chảy dưới chân họ.
      Và giờ chỉ trong tuổi ngoài hai mươi, họ không còn bối rối vì lời thề nữa. Họ xây một căn nhà ở Takeo. Pa là một người chồng và người cha tốt. Ở tuổi hai mươi lăm, ông đã thành công trong việc cưu mang một gia đình đang phát triển. Quả thực cha mẹ tôi không những làm ngạc nhiên cha mẹ của Pa mà cả cha mẹ của Mak nữa. Một ngôi nhà là một biểu tượng của địa vị xã hội. Ngay cả cha mẹ của họ cũng tự hỏi “Chúng lấy tiền đâu mà xây một ngôi nhà lớn như vậy?”
      Đại ka Forum
      Vip Member

      Gender : Nữ

      Posts : 7493

      Points : 116345

      Liked : 7676

      : 18/04/1993

      #76

       28/7/2011, 10:50

      Tôi nhẹ người và cám ơn Trời Phật đã tìm ra được Map, thấy được khuôn mặt nhỏ xíu giận dữ của nó trách móc tôi, đến nỗi lúc đó tôi quên bẵng cả tiếng súng đang nổ bên tai.
      Chị Ra thì đang buồn phiền. Chị gọi lớn bảo tôi mang đống đồ đạc gồm bao lúa, soong, nồi…tất cả đều buộc lại để mang bằng đòn gánh. Chị thì nhấc gói đồ của mình lên vai, rồi lại đặt xuống. Chị lấy bớt ra một cái nệm đan, được cuốn lại, dài gần gấp hai lần Map, và đưa cho nó mang. Rồi chúng tôi chạy, hướng về phía cây cầu tạm bắc qua con mương. Đám đông dồn lại. Một tiếng nổ vang dội như sấm sét. Mọi người kêu rú lên như động kinh. Chị Ra bèn bước xuống mương và lội qua phía bên kia. Tôi theo chị. Map ở phía sau, thở hồng hộc. Sức nặng của tấm nệm làm nó chậm lại, kéo ngước nó ra phía sau. Chị Ra thì ở phía trước rất xa, chỉ còn là một hình dáng nhỏ bé trong đám người. Tôi đứng chờ Map. "Đi nào, nhanh lên", tôi tự bảo mình, lo sợ cho Map và cho chính tôi.
      Khi một quả đạn đại bác nổ, tiếp theo là một tràng âm thanh trầm đục của súng trường, mọi người càng dồn nhanh về phía trước. Tôi chạy qua một ruộng lúa khô nứt nẻ, đến ruộng khác, rồi leo lên con đường đất cao. "Map, nhanh lên, nhanh lên!" tôi hét lớn, mong cho Map bước nhanh lên. Khi tôi quay lại tìm nó, nó ở rất xa phía sau, cách cả một thửa ruộng, và đang đứng yên. Nó khóc, hai tay vẫn cố cầm tấm nệm còn cao hơn cả nó. Tôi vẫy tay gọi nó tới. Nó lắc đầu. Tôi bèn bỏ gánh đồ xuống và chạy về phía nó, nhưng Map đã buông tấm nệm xuống và đi về phía làng Chhnoel. Tôi kêu thét lên "Không, đừng trở lui!"
      Map khuất hẳn sau đám người và đám cây. Tôi đứng yên, chờ nó trở lại, nhưng chỉ thấy những đứa trẻ khác cùng với gia đình của chúng. Tôi bèn đặt gói lên vai và chạy về phía trước.
      "Chị Ra, chị Ra, ngừng lại!" tôi gào. Chị quay lại. Tôi ngừng chạy, khóc.
      "Map đâu rồi?" Chị hỏi, mắt chị lộ vẻ hoảng sợ.
      "Chị chỉ biết lo cho thân chị" tôi hét lớn "Chị không giúp em trông Map. Bây giờ nó đi rồi, chạy lui rồi!"
      "Chạy lui đâu?"
      "Về phía Khmer Đỏ!" tôi gào lên, rồi chỉ về phía hàng cây và đám người đang chạy.
      Chị Ra đặt gánh đồ trên vai xuống, chạy, rồi leo lên đứng trên con đường đất nhô cao "Ming, pao, có ai thấy thằng em con đâu không?" Chị Ra hỏi, tay giơ ra phía trước các người đi qua, nhưng không ai nhìn vào chị.
      Đột nhiên một người đàn bà nói với chị Ra "Này Ra, em trai cháu đang đến kia kìa!"
      Chị Ra đưa mắt tìm kiếm rồi chân chị nhảy vọt lên trên con đường đất. Người đàn bà vừa nói đang chạy về phía tôi, với hai cô con gái. Tôi bèn hỏi "Dì ơi, em cháu đang chạy đến đây phải không?"
      Người đàn bà gật đầu. Bây giờ tôi mới nhớ ra bà là ai – lều bà nằm gần lều chúng tôi ở Chhnoel.
      Đột nhiên chị Ra và Map xuất hiện, tấm nệm thì vất đâu mất rồi. Chị kéo Map lên con đường mương. Khi Map đến gần, tôi mắng nó "Thằng điên! Sao lại chạy trở lui! Em không biết là sẽ bị bắn chết hả?"
      "Nhưng tấm nệm nặng quá, chân em đau lắm" Map sụt sịt "Chị không chờ em, chị để em đi một mình".
      Cả ba chúng tôi cùng chạy đi, bắt kịp người đàn bà kia và mấy đứa con gái. Rồi chúng tôi vượt lên phía trước họ. Khi chúng tôi đến gần làng Kandal, cách làng Chhnoel chừng hai dặm, người phụ nữ từ phía sau gọi tới chị Ra
      "Này, nghỉ một chút đi cháu!" bà van vỉ, thở hụt hơi.
      Chúng tôi bèn dừng lại cách con mương vài bước.
      "Được, chúng cháu nghỉ với dì", chị Ra nói, miệng cũng thở hổn hển.
      Người phụ nữ, mệt và chán nản, nói lớn với hai đứa con gái "Ném bớt đồ đi con, nặng quá, mang không nổi.Nhanh, nhanh lên"
      Chị Ra cũng nhìn lại đống đồ của mình, chị lấy ra cái nồi, thớt và một bao muối rồi chị kêu lên "Thy ơi, chị không thể ném các thứ này đi được, mình cần chúng!"
      Bùm! Một quả đạn pháo đổ xuống gần đó. Chúng tôi vội nhảy xuống mương, rồi chị Ra nhô đầu lên kêu lớn "Dì ơi, ở đây nè!"
      Khi tng súng ngưng, chúng tôi leo lên khỏi con mương. Để tránh một cuộc tấn công của Khmer Đỏ từ làng Kandal, chúng tôi chuyển đến một rừng cây cách xa làng này. Tại đây, chúng tôi nằm nghỉ trên mặt đất dưới bóng cây, những người chạy loạn đâu mất cả, chỉ còn chúng tôi. Hai gia đình – người phụ nữ và hai đưá con gái, chị Ra, Map và tôi. Bây giờ tôi mới thở ra hơi, và cảm thấy cả người đau nhức. Trí óc như trôi đi, nhường chỗ cho cơn mệt nhoài. Đầu gục xuống, tôi ngủ gà ngủ gật ngay. Dầu vậy tôi vẫn cố mở mắt và cố nghe chị Ra và người phụ nữ kia nói chuyện về nỗi sợ hãi của họ.
      Rồi có ai đó xuất hiện sau hàng cây. Chúng tôi đứng bật dậy, sẵn sàng bỏ chạy.
      "Là Meng…chị là Ameng đây mà", chị Ra chạy tới phía cô ấy, tôi đi theo sau.
      "Ara, ôi Ara ơi – các chị em tôi, trời ơi, dì tôi, dì tôi…" bang Meng lắp bắp, ngắt quãng "Ara ơi, họ chết hết rồi! Chết rồi! Bọn Khmer Đỏ giết cả gia đình tôi rồi…."
      Chị Meng thở hổn hển, người chị run lên bần bật, lắc lư. Tay chị cố nắm lấy cây đòn gánh đang đung đưa hai cái rương to bự trên vai. Chị Ra phải đỡ lấy cây đòn gánh đặt xuống đất.
      Thoát khỏi gánh nặng đè trên vai rồi, bang Meng trong tiếng khóc, hãi hùng lắp bắp kể lại cái chết của những người trong gia đình chị. Đang nói, chân chị bỗng khuỵu xuống, rồi chị cố đứng lên. Lúc đó cả một đám ruồi bay lùi lại, bật khỏi chiếc áo đầy máu của chị, nhưng rồi bu lại ngay.
      Đại ka Forum
      Vip Member

      Gender : Nữ

      Posts : 7493

      Points : 116345

      Liked : 7676

      : 18/04/1993

      #77

       28/7/2011, 10:50

      Khi chị bình tĩnh lại, chị kể cho chúng tôi chuyện vừa xảy ra, nước mắt ứa ra đầy mặt. "Lúc đó chúng tôi quá mệt và sợ bị trúng bom đạn nên ngừng chạy, núp vào trong ruộng lúa cùng với bốn gia đình khác cạnh con đường đất. Đột nhiên một người mặc đồ đen, một tên Khmer Đỏ tiến lại. Hắn đến chỗ một đứa bé, một đứa bé trai bệnh hoạn, mặt sưng phù đang nấp cạnh con đường. Ôi, Ara, dì ơi, khủng khiếp quá…" Chị Meng rũ người ra, run lẩy bẩy.
      Cậu bé van xin, tay đưa lên trán. Nó nói "Pao ơi, đừng giết, xin đừng giết cháu!"
      "Tên Khmer Đỏ đó nói với cậu bé "Tao không giết mày đâu",nhưng vừa nói thế, hắn vừa rút khẩu súng lục ra và bắn cậu bé, ngay vào đầu. Khi thấy vậy, tôi biết rằng chúng tôi sẽ là những người kế tiếp". Chị Meng kể "Khi hắn bước lại phía chúng tôi, các em trai em gái tôi, dì tôi, các cô gái khác trong gia đình này, cả bà ngoại già…tất cả đều sampeahed [1] hắn. Tất cả đều van xin hắn. "Poo, Khmuy [2], chow [3], đừng giết, xin đừng giết chúng tôi!" Khi hắn đến gần, tôi nhắm chặt mắt lại. Tôi lấy cả khăn và nón để che mặt. Tôi nằm dài ra đất ngay chân của dì, anh chị em tôi. Tôi nghe những tiếng súng, rất lớn. Trời ơi, mọi người ngã xuống trên người tôi. Máu nóng chảy xuống trên người tôi, ướt đẫm cả áo tôi. Rồi tôi cảm thấy một bàn chân giẫm lên ngực, tôi nghĩ hắn đã bắn tôi…"
      Về sau, chị Meng nghe tiếng chân bước lại gần. Chị cứ sợ chính tên Khmer Đỏ hồi nãy trở lại để giết nốt chị. Chị kêu lên, run lật bật vì khiếp sợ, nghe tiếng chân dừng lại bên chị. Rồi chiếc nón che đầu chị bị giật ra. Chị run lẩy bẩy, kêu thét lên, đưa tay che mặt. "Đừng sợ tôi", chị nghe một tiếng đàn ông nói "Tôi không làm hại cô đâu. Tôi là một người lính tốt, lính của PARA [4]".
      Anh nói rằng khi anh chú ý thấy thân thể chị Meng còn thở, anh biết mình có trách nhiệm phải cứu chị. Sau khi giải thích thái độ của mình xong, anh khuyên chị nên rời Chhnoel, vì thế chị đi đến đây với chúng tôi, một mình, không còn gia đình nữa.
      Sau khi nghe câu chuyện của chị Meng, tất cả chúng tôi đều quyết định phải đi xa hơn nữa khỏi Chhnoel và Kandal. Chúng tôi nhập vào một nhóm người ở một vùng đầy cỏ khô. Chỉ một vài đàn ông và đàn bà nói chuyện, đa số thì ngồi ngắm các ngọn cỏ hay nhìn vào khoảng không. Chúng tôi đóng trại đêm ở đó.
      Sáng hôm sau bang Meng liều đi trở lại Chhnoel với vài người khác cũng mất gia đình như chị. Nước mắt chị ứa ra khi chị kể về mùi hôi và đống xác người được chuyển đến một cánh đồng khác để thiêu. "Ara ơi, đứa em trai nhỏ của mình đã mất rồi!", chị nức nở. "Nó nhợt nhạt, không còn hột máu, bất động…" Chị yêu cầu chị Ra cùng chị đi xem thi thể của người thân một lần cuối trước khi hỏa thiêu. Trong tình cảnh như vậy, chị Ra không thể từ chối được. Đấu tranh mãi để quyết định xem làm đíều gì là đúng nhất, cuối cùng chị Ra mang cả Map và tôi đi theo vì sợ lại lạc nhau nếu như Khmer Đỏ lại tấn công lần nữa.
      Khi chúng tôi về lại Chhnoel, dấu tích hiện diện của Khmer Đỏ vẫn còn. Quần áo nằm lung tung, chăn màn, soong nồi vất rải rác gần các gốc dừa, gốc cây cọ. Tôi rất sợ trở lại nơi này, khi chúng tôi đến gần một ngõ hẹp giữa xóm nhà, một cơn gió ấm mang lại cái mùi kinh khủng. Trước khi tôi kịp hỏi đó là mùi gì, chúng tôi đã thấy một bãi đất tro đen sì, bằng nửa thửa ruộng lúa.
      "Ôi trời ơi, họ đà thiêu hết những người thân của mình rồi" Chị Meng thét lên, choáng váng, đưa tay lên che miệng.
      Chị vội vã chạy đến chỗ những phần thân thể cháy thành than. Chị Ra chạy theo chị. Nắm chặt tay Map, tôi như mọc rễ xuống đất. Tôi co rúm người lại khi chị Meng và chị Ra lúi húi lục tìm trong đám tro đen những phần thân thể cháy đen còn lại. Mùi khét lẹt đây bật tôi lùi lại, nhưng chính sự im lặng ma quái lại thúc tôi dắt Map lại chỗ hai chị. Bây giờ thì tất cả chúng tôi đều chăm chú nhìn vào những phần thể cháy thành than đó.
      "Ara ơi, đây là mấy đứa em gái và dì mình đó. Xem này" bang Meng bước tới nhặt lên một mảnh ngực nhỏ cháy đen "Có lẽ đây là một phần của em trai mình đó. Nó còn nhỏ lắm mà".
      Liếc nhìn qua cái bộ ngực cháy đen với xương lồng ngực vẫn còn nguyên vẹn, tôi vội kéo Map đi. Tôi quay mặt đưa mắt nhìn hàng cây và cánh đồng xa xa. Tôi cũng lấy tay che mặt cho Map, bụng tôi sôi sùng sục, muốn ói.
      Rồi chúng tôi rời nơi đó, đi trở lại con đường chính của làng Chhnoel, chị Meng kể cho chúng tôi nghe những chuyện chị nghe được vào ngày đầu tiên chị trở lại nơi này. Đưa tay chỉ đám cây cọ, chị nói rằng lính PARA tìm thấy thi thể của một phụ nữ bị sát hại nằm lăn lóc bên cạnh thi thể của đứa con mới sinh, hai chân bị xé toạc ra. Chị nói nhiều đứa bé bị giết bằng cạnh răng cưa sắc lẻm của một cành cọ. Còn một phụ nữ khác bị phù thũng thì bị bắn vào đầu trong nhà. Tôi ước chi bang Meng đừng kể cho chúng tôi nghe những chuyện ấy. Tôi cũng cầu nguyện cho chị Ry và anh Than đã không quay trở lại đây tìm chúng tôi. Tôi cầu mong họ vẫn còn sống ở một nơi nào đó.

      Chú thích:
      [1] Van lạy, cử chỉ kính cẩn bằng cách chắp hai lòng bàn tay vào nau, đưa từ ngực lên cằm
      [2] Cháu, tức con của cô, dì…
      [3] Con, tức con của mình
      [4] Tức Mặt trận Giải phóng quốc gia người Khmer, một tổ chức kháng chiến, chống lại Khmer Đỏ được lãnh đạo bởi Son Sann, một thủ tướng thời còn hoàng thân Sihanouk
      Đại ka Forum
      Vip Member

      Gender : Nữ

      Posts : 7493

      Points : 116345

      Liked : 7676

      : 18/04/1993

      #78

       28/7/2011, 10:51

      Cuộc Di Dân
      Chúng tôi tới làng Sala Krao thì gặp một vụ khác đang chấn động dân chúng. Chúng tôi, cùng vừa khoảng mười lăm gia đình đi tìm chỗ trú ẩn an toàn, nhập vào một đám người gồm đàn ông, đàn bà dang giận dữ nhìn về phía ba người đàn ông tay bị trói quặt ra sau lưng. Kèm bên họ là hai người đàn ông mặc quần áo dân thường và hai người bộ đội Việt Nam trong đồng phục màu xanh lục thẫm và nón sắt. Đây là hai trong số bộ đội Việt Nam chúng tôi từng gặp, mặc dù người ta bảo rằng có nhiều bộ đội đóng tại phía bên phải con đường.
      "Chúng là Khmer Đỏ" một người đàn ông trong đám đông kêu lên "Chúng mặc thường phục như vậy để xâm nhập vào làng này đấy".
      Tâm trí tôi như bị khoá lại, không nhận ra thêm bất cứ tin tức nào nữa. Giọng người đàn ông vẫn đều đều. Tôi không còn nghe nữa. Cơn đau giật nhức nhối của chiếc răng khôn bị sâu bỗng trở lại. Cơn đau làm suy mòn luôn chút sức lực còn lại trong tôi khi đến Sala Krao. May mắn thay, trên đường đi cùng với các gia đình tị nạn, chúng tôi nhận ra anh Than, chị Ry và Phally, vốn là người giúp việc trước đây của Leng hồi còn ở Phnom Penh. Khi Khmer Đỏ tấn công làng Chhnoel, họ thu xếp chạy về phía nam, rồi họ đi theo các gia đình khác cho đến khi tình cờ chúng tôi lại đoàn tụ. Anh Than và chị Ry mang giúp tôi bao đồ thực phẩm, gánh nặng này đã làm tôi chậm bước nhiều lần. Bây giờ, mặc dù không còn mang vác gì nữa, tôi bước đi vẫn còn thấy khó khăn.
      "Athy, nằm xuống đây một chút đã", chị Ry vỗ lên vai tôi, chị đưa tay chỉ một tấm vải trải ra trên đất gần một rễ cây nhô ra ngoài.
      Thân thể tôi đòi nằm xuống nghỉ, nên rất vui mừng trước tấm vải đợi sẵn. Nhưng một tiếng nổ lớn vang vọng. Một ánh lửa sáng loà. Đất rung chuyển. Tôi cảm thấy nóng nực. "Mak ơi, giúp con…" tôi nghe thấy mình kêu lên một tiếng kêu dài.
      "Nhảy xuống nước, nhảy xuống nước đi, nhanh lên".
      "Mak ơi, cứu con…" Vào lúc ấy tôi tưởng rằng mình đã chết, nhưng tôi nhận ra mình đang nằm soãi ra và thấm ướt. Nước bùn chảy vào miệng và tai tôi. Tôi vùng vẫy, cố đứng dậy. Một tiếng nói ra lệnh "Đừng nhỏm dậy, Athy". Tôi cảm thấy có một bàn tay đè lên vai tôi. Tôi mở mắt ra và thấy chị Ry đang nằm bên cạnh. Hóa ra chúng tôi đang nằm dưới một cái ao! Tôi không hiểu nổi…
      Đột nhiên có tiếng em bé khóc ré, và chỉ đến lúc đó tôi mới hiểu ra rằng chúng tôi đang bị Khmer Đỏ tấn công lại. Lúc này là ban đêm, một đêm trăng sáng. Nhiều cái đầu mờ mờ rải rác đó đây trên mặt nước. Chị của đứa bé, có lẽ được ba tuổi, cũng khóc – tiếng mẹ nó thì thào "Đừng khóc, nếu Khmer Đỏ nghe thấy, chúng sẽ giết con đó. Nín đi!" Đứa bé gái nín khóc, đưa mắt nhìn mẹ nó. Cha nó chậm chậm lội đến gần nó.
      Một tiếng súng khác bắn đi từ phía xa, tạo nên một tiếng động lớn trong đêm. Bây giờ thì tôi biết đó là loại súng gì – đó là súng chống xe tăng bắn đạn hoải tiễn. Sau vài giây nó đập vào cành của chính cái cây chúng tôi đang nấp ở đấy, làm lá cây vụt bốc cháy.Đột nhiên một tiếng nổ khác phát ra từ phía những người bộ đội Việt Nam, khiến chúng tôi hoảng hốt gào lên tìm chỗ núp. "Thật đúng lúc. Thế mà tôi cứ tưởng họ chết hết rồi chứ", tiếng một người đàn ông thở phào.
      Tiếng súng từ phía Khmer Đỏ ngừng lại. Một lát sau lại tiếp tục, nhưng rồi ngừng sau hai loạt pháo liên tục từ phía Việt Nam. Sau đợt thứa ba, đêm trở lại hoàn toàn yên tĩnh. Tôi nhẹ nhõm, thầm cám ơn bộ đội Việt Nam đã có mặt ở đây đêm nay để chống lại Khmer Đỏ.
      Đến sáng tôi thức giấc bởi nghe nhiều giọng nói. Một người lính Việt Nam mặc đồng phục màu xanh thẫm, đội nón sắt đang bước nhanh trên đường với một cái xách trông giống như cái cặp da trên tay. Đi cùng ông ta là hai cô gái, có lẽ tám và mười tuổi. Họ đến chỗ chúng tôi. Hai cô gái đứng cạnh ông ta, cô gái trẻ hơn ngắm nghía chúng tôi. Người lính nói tiếng Việt, cô gái lớn nhìn ông ta, lắng nghe. Rồi cô dịch lại cho chúng tôi "Ông ta muốn đến xem thử mọi người co bị thương ở đâu không".
      Rồi người lính lần lượt lấy từng mảnh đạn pháo nhỏ xíu cắm vào lưng, mặt, tay chúng tôi ra. Đêm nay một người đàn ông tóc bạc trắng mà anh Than quen biết cho chúng tôi ở nhờ nơi căn nhà gỗ của ông chừng nào chúng tôi muốn. Ông nói, ở đó an toàn hơn. Chúng tôi lễ phép gọi ông là Om, ông chú. Nếu như Khmer Đỏ lại tấn công, hàng cây và con đường sẽ che chở cho chúng tôi khỏi bị trúng đạn trực tiếp. Căn nhà dựng trên cột gỗ lớnó có ban công rộng bốn phía. Phía trước là một câu thang xây bằng xi măng, bậc thang gỗ và sàn nhà. Chúng tôi nhẹ người khi có được chỗ này để trú ngụ.
      Sáng hôm sau có hai người lính đến thăm chúng tôi. Hai người này chắc phải là anh em, họ có cùng chiều cao, chừng hơn một mét sáu mươi lăm, tóc đen dày, da nâu sậm. Trông họ khoẻ khoắn, mạnh mẽ và duyên dáng, nhất là khi cười. Họ đưa mắt liếc vội chị Ra, đứng dậy đi vào ngồi xuống khu nấu nướng. Ở tuổi hai mươi tràn trề sinh lực, sự nhọc nhằn đã không cướp đi nổi vẻ đẹp của chị. Dáng thon thả, vẻ mặt thanh, mái tóc dài khiến chị trông quyến rũ, đẹp hơn bất cứ người phụ nữ nào tôi từng gặp. Trong tất cả chúng tôi, chị cũng là người khoẻ mạnh nhất.
      Đại ka Forum
      Vip Member

      Gender : Nữ

      Posts : 7493

      Points : 116345

      Liked : 7676

      : 18/04/1993

      #79

       28/7/2011, 11:05

      Một trong hai người lính cầm lên một chiếc xô bằng kim loại và hỏi tôi bằng một thứ tiếng Cambodia vỡ vụn "Cái này gọi là gì vậy?"
      Tôi chầm chậm nói với anh cái từ một âm tiết chỉ cái xô. Anh cố gắng nói theo, nhưng nói không đúng. Nhăn răng ra cười, anh lập lại từ đó. Tôi bắt đầu. Anh cố lần nữa nhưng vẫn nói sai. Khi tôi nói từ đó nhanh hơn, tôi nghe tiếng dội sai lạc từ miệng anh ta vọng lại. Giống như mình nói từ "cow" rồi nghe dội lại bằng từ "cook".
      Tên anh ta là Tranh. Anh biết ít tiếng Cambodia hơn người kia, Minh, người thường xuyên đưa mắt liếc chị Ra. Sau khi học được ít tiếng Cambodia, Minh và Tranh kể cho chúng tôi nghe về Việt Nam, về đới son của họ ở đó. Về khiêu vũ, âm nhạc. Rồi đột nhiên Tranh vụt chạy đi, biến mất trên đường làng.
      "Rồi cậy ấy sẽ trở lại ngay thôi", Minh bảo chúng tôi, miệng mỉm cười.
      Liền đó Tranh xuất hiện với một người lính khác, miệng cười bẽn lẽn. Minh đứng dậy, đưa cái xô kim loại cho người lính, rồi nói với anh ta điều gì đó bằng tiếng Việt. Đứng đối diện chỉ cách nhau vài tấc, Minh và Tranh cười tươi rói, rồi gật đầu về phía người lính kia.
      Nghe họ ra hiệu, người lính này bèn bắt đầu gõ vào hai bên chiếc xô bằng sắt, tạo ra một âm thanh nhỏ, đều, rền như chuông. Miệng anh ta mấp máy rồi hát lên một bài hát trữ tình rất hay bằng tiếng Việt. Trước khi tôi kịp hiểu, thì thân hình Minh và Tranh đã uốn éo nhịp nhàng, cong người về phía trước và uốn người lui, mềm dẻo như hai cây tre uốn mình theo nhịp của cơn gió. Tay họ cũng múa, đưa theo những chuỷên động vòng tròn. Họ cười vang. Tôi cũng thấy vui lây.

      Hàng người bất tận bước trên con đường uốn lượn phía trước nhà Om. Đứng nơi ngã ba đường, chúng tôi quan sát những người đàn ông, đàn bà chân trần bước qua. Một số bồng em bé nơi tay. Số khác mang hàng bó nồi niêu, soong chảo và chăn màn bằng đòn gánh hoặc đội lên đầu. Một vài người còn chiếc xe đạp cũ kỹ thì chất chăn chiếu và thực phẩm lên đó. Trẻ em lớn hơn một chút thì dắt đi, tay được mẹ hay chị nắm chặt.
      Om hỏi một người đàn ông gầy về nơi ông ta định đến. "Chúng tôi không còn muốn ở lại Cambodia nữa". Ông ta nói cương quyết "Đời sống ở đây quá khó nhọc. Chúng tôi cũng không biết đi đâu, chúng tôi chỉ muốn rời bỏ xứ sở này".
      Trong ba ngày tiếp đó, Sla Krao từ sáng đến chiều là cửa ngõ cho cuộc di dân. Sau này chúng tôi mới biết, điểm đến của họ là một trại tị nạn nằm trên biên giới giữa Cambodia và Thái Lan.
      Chị Ry, Phally và tôi quen với một phụ nữ địa phương tên là Art. chúng tôi gọi bà là dì Art, một người phụ nữ mảnh khảnh, dễ mến với cặp mắt đen đẹp, tuổi có lẽ chừng ngoài ba mươi. Dì có một đứa con nhỏ, nhà dì là một căn nhà gỗ nhỏ, nằm cách nhà Om chừng nửa dặm. Trong nhà treo đầy thúng đánh cá, soong nồi, rổ rây gạo và vỉ nướng bánh trên vách. Vỉ nướng bánh!
      Trở về nhà Om, tôi kiểm tra lại chiếc cối đá dùng để nghiền gạo thành bột, và còn dùng vào các việc khác nữa. Sau đó đến tối, tôi bàn với chị Ra, Ry và anh Than ý tưởng của tôi về việc làm bánh nướng để đổi lấy gạo với người trong làng. Tôi bảo họ, khách hàng cũng chính là những người dân đi ngang qua làng Sala Krao. Người đi đường đói sẽ phải mua thức ăn. Mục đích của tôi là sống bằng số gạo dư ra như thế chúng tôi khỏi phải trồng lúa. Chị Ra nói khó mà bán được vì người ở đây không bán thứ gì cả. Anh Than thì không nghĩ rằng người ta sẽ mua bánh của tôi, cho nên anh bảo sẽ phí chỗ gạo dùng để đầu tư vào việc làm bánh mà thôi.
      Không giống chị Ra và anh Than, chị Ry cho rằng tôi phải thử mới biết được. Được sự hỗ trợ của chị, tôi ngâm nước sẵn chừng bốn ký gạo để ngày mai xay thành bột. Rạng sáng tôi thức dậy, vo lại gạo và rửa cái cối đá, xong nghiền gạo thành bột. Chừng một tiếng đồng hồ thì xong. Tôi bèn trộn bột với nước đường cọ đen sì, với muối và nước. Tôi nghĩ, thêm trứng và nước dừa vào nữa, bánh này hẳn ngon không kém gì loại bánh chúng tôi ăn hồi còn ở Phnom Penh, nhưng ngay cả thế này thì cũng vẫn ngon rồi.
      Nơi ngã ba đường cái, dưới bóng mát của hàng cây lớn, tôi chọn một địa điểm gần nơi giao lộ có nhiều người qua lại. Đặt nồi đựng bột xuống đất, rồi đào một cái hố, xong đặt ba viên đá bên mép hố để đỡ chiếc vỉ sắt.
      Chị Ry mang cho tôi củi, vỉ nướng bánh mượn của dì Art, đĩa dẹt, nĩa, một mảnh gỗ thông từ nhà Om để nhen lửa. Map thì xách cho tôi một cái xô rỗng và một thùng đựng sữa cũng rỗng. Sửa soạn xong, tôi bắt đầu làm bánh.
      Chị Ry, Map và chính tôi là khách hàng đầu tiên của tôi. Chúng tôi ăn hai cái bánh đầu tiên khi chúng dính vào vỉ sắt, giòn tan. Tôi đưa một miếng vào miệng. Map nôn nả nhặt các miếng vỡ lên và ăn ngay trước khi tôi cho nó ăn. Chị Ry thì nhắp môi, suy nghĩ.
      "Athy ơi, bánh không được ngọt lắm", chị đưa mắt nhìn tôi, nghĩ ngợi.
      "Em biết", tôi nói, nhăn răng cười, sung sướng vì cuối cùng đã nghe chị bình luận. Thật ra đó là vì tôi không muốn tốn quá nhiều đường trong trường hợp chúng tôi không bán được và cuối cùng phải ăn hết cả sản phẩm của mình.
      Chị Ry cười nói, vừa lắc đầu "Cái con bé này. Được rồi, chị sẽ về lấy thêm nhiều đường nữa".
      Tôi cũng cười "Đó chính là điều mà em định nhờ chị làm".
      Dần dần, đám trẻ trong làng Sala Krao kéo đến nhìn chúng tôi. Chúng đứng nhìn thèm thuồng trong khi tôi bóc từng chiếc bánh ra khỏi vỉ.
      Chị Ry bảo chúng "Nào, đi lấy gạo đi. Bảo với mẹ là tụi em muốn ăn bánh nướng." Chị cười bẽn lẽn và vẫy tay bảo bọn chúng đi. Chị cười vì đã nói như vậy.
      "Một lon gạo," tôi nói thêm, nhặt cái lon sắt trong xô không đưa lên cho chúng xem, "thì đổi được hai cái bánh này". Tôi chỉ vào các chiếc bánh nướng trong dĩa. Chị Ry nhéo tôi, cười rúc rích. Map thấy vậy cũng cười theo.
      Đại ka Forum
      Vip Member

      Gender : Nữ

      Posts : 7493

      Points : 116345

      Liked : 7676

      : 18/04/1993

      #80

       28/7/2011, 11:06

      Bột bánh hết nhanh hơn là tôi tưởng. Xách về một xô gạo khá nặng – cả vốn lẫn lời của chúng tôi – tôi đùa với chị Ry về công việc của ngày hôm nay. Chị Ry trêu tôi, lập đi lập lại lời bình luận của khách hàng. Tôi thì đóng cả vai khách hàng lẫn vai của tôi, nói như là đang đóng kịch. Map cũng cười, ngước mắt nhìn hai người chị khùng điên của nó, trong khi chúng tôi rúc ra rúc rích như các cô học trò nhỏ ngày nào.
      Tiệm bánh nhỏ xíu của chúng tôi kéo theo cả một cái chợ dã chiến. Nơi ngã ba đường dưới bóng cây, người dân làng Sala Krao và các làng khác kéo đến tham gia vào việc mua bán, đổi chác. Họ mang đu đủ, dừa, bí, cá sống, cả thúng mủng, bất cứ cái gì dùng được để đổi lấy gạo. Nhiều người khác cũng dựng lên chỗ bán bánh để cạnh tranh với chúng tôi. Vì thế chúng tôi phải đỏi qua làm và bán bún.
      Cái chợ này mở rộng hơn, lan từ chỗ ngã ba đường vào tận một căn nhà gỗ lớn. Trong hai tháng, với dòng người đi qua, đột nhiên thực phẩm, mọi thức khác được trao đổi bằng những miếng vàng nhỏ hai mươi bốn ca ra cắt ra từ dây chuyền, vòng tay, nhẫn…một thứ tiền tệ nhẹ, dễ mang hơn gạo nhiều.
      Tôi ngạc nhiên thấy người ta vẫn còn nữ trang. Nhìn lại, tôi nhớ cái lúc người trưởng làng ở Daakpo bảo chúng tôi trao hết nữ trang của mình cho Angka. Ông ta bảo rằng chúng tôi thật xấu khi sở hữu những vật có liên hệ đến "bọn đế quốc Mỹ", thế mà bây giờ nó lại giúp người ta mua được cái ăn.
      Cũng như với bánh nướng, những người khác cũng bắt đầu làm bún, cạnh tranh khách hàng với chúng tôi. Chẳng bao lâu chúng tôi đã thấy tác động của sự cạnh tranh này và chỉ còn bán được cầm hơi.
      Chị Ra, anh Than, chị Ry và tôi bàn luận về sự sống còn trong tương lai, cách để sinh sống. Sau khi nói chuyện với những người từ Kompong Cham, chị Ra, anh Than, chị Ry và Phally quyết định đi cùng họ đến biên giới để mua hàng từ các nhà buôn Thái rồi mang về bán ở Sala Krao.
      Một hôm, sau khi mấy người họ đã rời khỏi nơi đây, chúng tôi quyết định nghỉ bán, cũng vì ngày hôm trước chúng tôi bán chẳng được bao nhiêu. Tạm thời trút bỏ gánh nặng buôn bán khỏi vai, tôi bèn chơi nhảy dây dưới hàng cây trước của nhà Om.
      Lát sau có một con bé trạc tuổi tôi – mười ba – đến và xin cho nó chơi. Tôi vui vẻ đồng ý. Chúng tôi chơi nhảy dây thi. Tôi thắng, thế là tôi được nhảy trước, tôi vừa nhảy vừa mỉm cười. Trông như tôi đang nghỉ xả hơi sau một lớp học dài buổi sáng. Rồi đến phiên con bé nhảy, tôi thích thú nhìn nó.
      Bỗng mẹ nó gọi nó đi. Trong khi tôi đang tiếp tục nhảy dây một mình thì nó trở lại. Nó phấn khích nói rằng nó và mẹ nó sắp đi mua thức ăn gần Thái Lan rồi mang trở lại đây. Nó hỏi tôi có muốn đi cùng không. Tôi hỏi nó mất bao lâu thì đến được cái chợ ở gần Thái Lan.
      Mẹ nó nói "Ồ, không xa lắm đâu, và trước khi cháu nhận ra thì cháu đã về đến đây rồi. Một đứa trẻ như cháu thì có thể mang được bốn hộp mì ăn liền. Kiếm được lời nhiều đấy. Cháu có muốn đi không? Bác sẽ dẫn theo Srey cùng đi với bác".
      "Vâng ạ" tôi hăng hái đáp. Tôi tưởng tượng mình mang bốn thùng mì trên lưng, chưa chi tôi đã thấy mình đi trong chợ này. Rồi trong nháy mắt tôi đã trở lại Sala Krao. Dễ ợt, tôi nghĩ, giống như người đàn bà kia nói.
      Tôi bảo chị Ry rằng hai ngày nữa tôi sẽ trở lại đây. Thấy sự phấn khích của tôi chị mỉm cười khi chia cho tôi nửa số vàng chúng tôi kiếm được bằng cách bán bánh và bán bún.
      Hành trình dài hơn nhìều so với lời của mẹ Srey nói. Chúng tôi đi xuyên qua làng, qua những cánh đồng. Đói khát và mệt lả trùm lên toàn bộ người tôi. Mẹ của Srey nhắc chúng tôi phải tiếp tục đi và bảo tôi cất kín vàng nơi nào đó khó tìm thấy trong áo quần phòng khi chúng tôi gặp cướp.
      Chúng tôi đi đến một cái hồ lớn mọc đầy cây cỏ nước cao gọi là cây Kak nhô lên khỏi mặt nước đen kịt cả nửa thước. Tôi chẳng muốn lội vào cái hồ này chút nào. Nhưng đã đến đây mẹ của Srey bảo bà sẽ chẳng quay trở lại đâu. Còn nếu tôi trở về một mình, tôi sẽ bị lạc. Nếu tiếp tục đi tới, tôi sẽ mua được mì và mang về bán sẽ có lời.
      Srey và mẹ nó bồn chồn đứng bên bờ hồ chờ tôi quyết định. Lúc đang cân nhắc chọn lựa, tôi quan sát một nhóm người lớn vượt qua hồ. trong nhóm đó tôi nhận ra Phally đang tiến về phía tôi. Hình như cô kinh ngạc và thất vọng khi nhìn thấy tôi. Cô đặt tay lên vai tôi, cô cho biết nhóm của cô bị cướp tấn công. Khi súng nổ, mọi người chạy tán loạn nên cô không biết chị Ra và anh Than ở đâu nữa.
      Tôi biết nếu tiến tới về phía biên giới là rất nguy hiểm. Nhưng tôi quyết định không đi trở lui với Phally. Ít nhất mẹ của Srey đã đi trên lộ trình này trước đây rồi. Còn Phally thì không biết đường vì đây là lần đầu tiên cô đi như vậy. Tôi bèn nói vài lời bảo Phally quay trở lại với chị Ry và Map, rồi tôi đi theo Srey và mẹ nó vào trong hồ nước lạnh ngắt giờ đây tối mịt như bầu trời đêm.
      Rồi chúng tôi tiếp tục đi trên con đường đất, được lính PARA đi kèm theo một đoạn ngắn, sau đó qua đêm tại một bìa rừng. Ngày hôm sau chúng tôi đến một quãng trống và thấy nhiều người chạy trối trết trên đó. Mẹ Srey nhắc rằng chúng tôi phải chạy qua đó thật nhanh. "Đây là nơi bọn cướp có thể thấy chúng ta và thường người ta bị bắn ở chỗ này. Nếu cháu nghe tiếng súng và tiếng hô, đừng dừng lại. Nếu vấp té, cháu phải đứng dậy ngay và chạy tiếp. Khi nghe bác nói "đi", thì cháu chạy liền. Cháu hiểu không?"
      Khi bà ra hiệu, chúng tôi chạy, chân giẫm trên các cạnh sắc của mặt đất nứt nẻ. tôi cầu nguyện Pa, Mak, cả tổ tiên để che chở cho tôi. Tất cả chúng tôi qua được một cách an toàn. Rồi chúng tôi lại gặp một chướng ngại khác trên đường đi – địa lôi. Người ta bảo chúng tôi phải theo đúng vết chân của người đi trước khi băng ngang đồng cỏ. Nhờ may mắn và nhờ sự giúp đỡ của một quyền năng cao hơn nào đó, và nhờ vào sự bình tĩnh và chính xác của mọi người, chúng tôi vượt qua đồng cỏ an toàn.
      Mẹ của Srey nhìn tới nhìn lui quang cảnh chung quanh rồi sung sướng nói "Chúng ta hầu như đã ở đó rồi. Chúng ta đã gần đến New Camp rồi".
      Đại ka Forum
      Vip Member

      Gender : Nữ

      Posts : 7493

      Points : 116345

      Liked : 7676

      : 18/04/1993

      #81

       28/7/2011, 11:06

      Trại New Camp
      Tháng Năm 1979. Chúng tôi đến vùng ngoại vi của trại New Camp vào cuối buổi chiều. Ánh nắng bớt gay gắt cho chúng tôi được một chút thoải mái. Trước mặt chúng tôi, ở giữa rừng, là những túp lều lợp bằng cỏ khô, không có cửa, dựng sát vào nhau giống như những cây nấm mọc dưới tàn cây lớn.
      Mẹ của Srey dẫn tôi đến lều của con gái Om, người mới đến ở trại này với chồng. khi chúng tôi đến chiếc lều bằng vải màu ngụy trang, mẹ của Srey gọi lớn, tay đập đập vào vách vải. Sau vài phút, con gái của Om, mà tôi gọi bằng chị, chui ra khỏi lều. Chị cao, mảnh khảnh, với làn tóc đen xoăn xoã xuống ngang cằm. Mặt chị cũng sáng như tôi.
      "Cô có thấy chị và anh của nó quanh đây không? Họ rời khỏi Sala Krao trước đây hai ngày". Mẹ của Srey nói với chị.
      "Không ạ, chồng cháu và cháu không hề thấy họ", bang nói, trán hơi nhăn lại. "Tụi cháu có buôn bán với người Thái nhưng cũng không thấy họ ở đó".
      Mẹ Srey hỏi tôi có ở lại với họ được không cho đến khi tôi tìm thấy anh Than và chị Ra. Hai vợ chồng đồng ý và bảo đảm với bà rằng họ rất hoan nghênh tôi ở chung. Mệt nhoài, tôi để mặc cho họ nói chuyện với nhau. Tôi ngồi bệt xuống đất trong khi họ tiếp tục nói. Điều kế tiếp tôi biết là chị dẫn tôi đến một cái lều khác của chị để tôi ngủ, tách biệt với khu của chị và chồng chị.
      Chị hỏi tôi có muốn ăn chút gì không, tôi lắc đầu rồi nằm dài xuống tấm chăn trải trên nền đất.
      Có tiếng rì rầm rồi tiếng nổ nhẹ. Tôi bật dậy, ngồi giữa một chỗ tối thui và hâm hấp nóng. Rồi tôi sờ soạng ra khỏi, mò qua một bức tường gồm nhiều lớp màn, tôi đến chỗ bang và chồng chị ngủ - nhưng họ đã đi đâu mất rồi.
      Gần lối vào lều có tấm vải mở một nửa, ánh nắng dọi vào, chiếu trên một đĩa cơm, một miếng cá nướng, một chén nước chấm chua ngọt trong có các lát hành xắt mỏng, tỏi băm và ớt đỏ tươi xắt mỏng cùng với đậu phụng nghiền. Miệng tôi trào nước bọt. Tôi hít mùi thơm một cách thèm thuồng.
      Bụng tôi trống trơn, đã hai ngày nay chỉ toàn uống nước cho nên tôi nuốt hết mọi thứ trong chớp mắt. Cơm, cá, nước chấm thật ngon. Thứ nước sốt đậm đà mà tôi ngạc nhiên được ăn ở đây, kéo tôi trở lại cái thời nhà tôi còn ở Phnom Penh hay Takeo. Ước chi mình được ăn thứ này cùng với cha mẹ và các anh chị em như ngày xưa. Nhưng không còn có thể được nữa. Tôi ở đây một mình, không có anh hay chị bên cạnh.
      Một ngày rồi bốn ngày. Tôi vẫn không thấy anh Than hay chị Ra mặc dù tôi đã lùng sục khắp trại, đi qua các quầy bán nhiều thứ thực phẩm khác nhau. Chuối khô, khoai, cháo, rau quả và thịt – một cái chợ tạm bợ, hấp dẫn và còn hối hả, nhộn nhịp hơn cả sức tưởng tượng của tôi. Khi tôi quay trở lại về lều của bang, chấm dứt một ngày tìm kiếm vô ích, có tiếng ai đó hối hả gọi tên tôi.
      Tôi ngừng lại, quay lui, cố tìm tiếng gọi trong đám đông người đang đi lại vội vàng. Cuối cùng ở phía bên trái gần một bụi cây nhỏ, bên cạnh dãy lều, hai bàn tay đang rối rít vẫy tôi. Tôi nhìn người đàn bà đang giơ cả hai tay vẫy loạn lên. Tôi bước đến trước mặt bà. Bà hỏi "Cháu không nhận ra cô hả?"
      Tên bà là Sitha, một phụ nữ nhỏ nhắn, tóc cắt ngắn, có lẽ ngoài ba mươi. Giọng bà nhẹ nhàng, dễ mến. Bà nhắc cho tôi nhớ chúng tôi đã gặp nhau ở Korkpongro, một ngôi làng ở đó chúng tôi lần đầu nghe thấy tiếng súng của Khmer Đỏ ngay sau khi rời khỏi Daakpo. Bà nói chắc tôi còn nhớ cha bà. Bà chỉ căn lều nơi bà ở, chỉ một người đàn ông vẻ thân thiện , đạo mạo mà bao giờ tôi mới nhận ra được. Tôi còn nhớ lúc đó tôi đã cầu nguyện thật nhiều khi ở Korkpongro. Có lẽ những lời cầu nguyện đó đã được chứng giám cho nên bao giờ chúng tôi mới ở đây, được gặp nhau lại. Và điều không dám tin là bà đã thấy chị Ra và anh Than. Bà tình nguyện dẫn tôi đến nơi họ ở.
      Chúng tôi đến gần một túp lều lợp cỏ vàng nằm gần một mô đất có hai cây lớn. Cô Sitha chỉ căn lều nơi chị Ra và anh Than ở đó. Mỉm cười cô giã từ tôi, để tôi đứng lại đó với nỗi hồi hộp sắp được gặp anh chị mình. Tôi hình dung ra họ ngạc nhiên như thế nào khi nhìn thấy tôi, đứa em gái nhỏ của họ, đứng trước mặt. Khi tôi đến trước căn lều không có cửa, tôi thấy một người phụ nữ mặc áo màu xanh sáng và váy in hoa đang ngồi trên một tấm nệm, quay lưng lại phía tôi, mải mê làm một việc gì đó. Đây đâu phải là lều của họ, tôi thất vọng nghĩ.
      Tôi vội vã chạy lui lại chỗ tôi và cô Sitha chia tay nhau, tính bảo rằng cô đã chỉ nhầm chỗ, nhưng cô Sitha đã đi đâu mất rồi.
      Quay trở lại căn lều, tôi quyết định hỏi thăm người phụ nữ này xem có biết anh Than và chị Ra ở đâu không.
      "Xin lỗi chị cho em hỏi".
      Người phụ nữ quay lại.
      "Trời ơi chị Ra! Thế ra là chị!" Tôi cười vang, ngạc nhiên và hạnh phúc khi thấy cuối cùng đó là chị tôi.
      Cười rạng rỡ, chị đứng dậy khỏi tấm nệm "Em đến đây khi nào vậy? Em đi với ai?"
      Không nghe chị hỏi, tôi bận nhìn chị từ đầu đến chân. Nhìn làn da sáng, khoẻ mạnh của chị. Nhìn cặp mắt chị. Chúng hạnh phúc, đầy sức sống. Cuối cùng tôi mới tìm ra từ ngữ để diễn tả chị trông khác trước như thế nào kể từ khi tôi trông thấy chị cách đây một tuần. "Chị Ra", tôi cười hớn hở nói, "Chị thật vững vàng. Chị có da có thịt. Nước da chị trông đẹp quá. Chị giống Koon chen (người có giòng máu Trung Hoa)".
      Chị Ra cười toét miệng, với tay năm lấy tôi, chị không nói gì trước lời nhận xét thật thà của tôi.
      Tôi ngồi bên cạnh chị trên tấm nệm và chị kể cho tôi nghe anh Than cố đi mua hàng của những người Thái đem về bán cho những người Cambodia.
      "Anh ấy không sợ sao?" Tôi nhíu mày. "Em nghe nói rất nguy hiểm. Lính Thái bắt người Cambodia tra tấn, đánh đập. Chuyện đó có thật không, chị Ra?"
      "Ừ, có những lính Thái đi tuần, chị cũng nghe thấy vậy. Nhưng rồi em phải biết, khi đi buôn với các người buôn bán Thái," Chị Ra giải thích, chị cũng không chắc lắm. Rồi đột ngột mặt chị sáng lên, rạng rỡ "Athy ơi, ở bên đó, nếu em có tiền Thái hay có vàng, em muốn mua thứ gì cũng có. Họ có đủ thứ. Dứa này, bò này, gà này, kem này. Mọi thứ. Tất cả mọi thứ mà em muốn ăn đó". Rồi chị cười hài hước "Tất cả những gì em cần là tiền".
      "Hèn chi chị có da có thịt ra".
      Nhẹ nhõm và vui sướng, tôi cười luôn miệng với chị Ra. Kể từ khi Khmer Đỏ cầm quyền, chưa bao giờ tôi cười nhiều với các anh các chị tôi như thế này. Nhưng hôm nay chúng tôi cười nhiều đến nỗi hai gò má và bụng đau thắt. Mặt tôi ấm lên, tinh thần rất thoải mái.
      Sau đó tôi đến chỗ bang và chồng chị cho họ biết tin tôi đã tìm được anh chị tôi. Họ nhẹ nhõm khi biết tôi đã tìm ra chị Ra. Khi tôi quay trở lại lều chị Ra, anh Than đã ở đó, mỉm cười, vui sướng thấy lại tôi. Ngồi bên cạnh lều, có một người mà chị Ra đã từng nói với tôi, từ tỉnh Kompong Champ đến. Đó là một người đàn ông da sậm, người tầm thước , hàng lông mày dài và rậm. Anh ta tên là Vantha, có biệt danh là Preag. Anh đã đi từ Kompong Cham đến làng Sala Krao cùng với vài người nữa. Chị Ra nói, tất cả những người kia đều đã trở về, ngoại trừ anh ta.
      Đại ka Forum
      Vip Member

      Gender : Nữ

      Posts : 7493

      Points : 116345

      Liked : 7676

      : 18/04/1993

      #82

       28/7/2011, 11:07

      Đang suy nghĩ cảnh chị Ra bất tiện như thế nào khi chung quanh toàn là đàn ông, tôi ngạc nhiên thấy Vantha được phép ở lại đây. Nếu như Pa hay Mak còn sống, không bao giờ họ chấp nhận cho một chuyện như vậy. Nhưng bây giờ, ai dám nói rằng người ta phải tuân theo truyền thống văn hoá khi mà mọi sự đã thay đổi đến vậy? Điều tôi quan tâm nhất là làm sao tồn tại ở trại này. Khi anh Than và Vantha đi mua hàng của người Thái, tôi nói chuyện với chị Ra về việc bán thực phẩm. Tôi biết rằng mình sẽ không bao giờ liều thân đi vào đất Thái để mua bán.
      Chị bác ngay ý kiến đó và đề nghị tôi đưa số vàng mang theo cho Vantha. Chị giải thích rằng chúng tôi không thể sống mà không dựa vào lợi tức của Vantha và sự mua bán của anh Than. Nhìn vào mắt chị, tôi biết rằng chẳng có gì để tranh luận với chị được nữa. Một lúc sau tôi chấp nhận đề nghị của chị Ra và hy vọng rằng cả tôi nữa cũng có thể dựa vào sự buôn bán của anh Than và Vantha – với số vàng làm vốn của tôi.
      Anh Than và Vantha lao vào một công cuộc kinh doanh mới. Sau bữa ăn, hai anh đi ra ngoài lều kiếm khách và đưa về cho chúng tôi. Họ là những người trung gian. Đổi tiền Thái cho chúng tôi lấy vàng, sau đó chúng tôi đổi tiền này với một hối suất cao hơn với những người buôn hàng chuyến dùng tiền này mua hàng hoá đem về lại tỉnh mình.
      Tôi đảm nhận vai trò xem xét vàng có thật không và cân vàng bằng cái cân đồng nhỏ của mình. Chị Ra và anh Than bảo với Vantha rằng tôi rất giỏi trong việc phân biệt vàng hai mươi bốn cara với các đồ kim hoàn giả hay những vật không phải là vàng. Tôi đã học được từ các nhà buôn khác cũng như từ sự quan sát của chính tôi, dựa theo trọng lượng và màu sắc của vàng.
      Khi có sự nghi ngờ, tôi đã học được cách đặt miếng nữ trang hay vật kim lọai được gọi là vàng đó vào than hồng trong bếp hay trước ngọn lửa cháy bằng nhiên liệu nhẹ. Nếu là vàng thật, màu vẫn vàng sáng như trước. Nếu không phải, nó sẽ chuyển thành màu đen. Cho đến lúc đó, chưa có ai lừa đảo tôi được.
      Có tin đồn rằng chúng tôi sẽ được di chuỷên đến một trại khác nằm sâu trong phần đất Thái. Chị Ry và Map vẫn còn ở Sala Krao. Chúng tôi sợ rằng nếu dời đi, gia đình chúng tôi sẽ bị chia cách vĩnh viễn.
      Vài ngày sau tôi nhẹ người khi nghe anh Than tình nguyện đi ngược trở về Sala Krao để đem chị Ry và Map đến đây. Trong lúc đó, nếu trại phải rời đi Thái Lan trước khi anh trở lại, anh nhấn mạnh, rằng tôi và chị Ra phải ở lại đây để chờ.
      Khi anh Than đi rồi, chị Ra tâm sự với tôi rằng chị và anh Vantha sẽ quyết định lấy nhau khi đến trại mới. Chị nói "Anh ấy nói nếu chị không lấy anh ấy, không yêu anh, anh sẽ trở về Kompong Cham với cha mẹ. Nếu không có anh ấy, ai sẽ lo cho chúng mình? Người lớn thường nói rằng cần phải có một người đàn ông để gánh vác gia đình. Chị muốn em ở lại với chị đến khi chị và anh ấy lấy nhau".
      Đến đêm anh Than về, vác Map trên vai. Map quàng tay quanh cổ anh, có vẻ sắp tuột tay bất cứ lúc nào. Anh Than nhấc Map lên và đặt xuống nệm bên cạnh chị Ra và tôi. Map yên lặng, không có một lời phát ra từ miệng nó. Nó ngồi yên, cặp mắt buồn bã, mệt rũ.
      Tôi đứng dậy, nhìn ra lối đi trước lều nhưng không thấy chị Ry. "Anh bỏ chị ấy", giọng anh Than bực tức "Chị ấy chẳng mang gì mà đi chậm quá. Đi một tí lại dừng. Đi một tí lại dừng. Nghỉ, nghỉ, nghỉ…Vì đã gần đến đây nên anh không đợi chị ấy nữa".
      "Thế bây giờ chị ấy đâu rồi?" tôi hỏi.
      "Anh cũng không biết nữa. Chị ấy muốn nghỉ, thế là anh để chị ở đó. Anh phải cõng Map vì nó không đi được, mà nó thì càng lúc càng nặng. Anh rất mệt, nhưng anh phải tiếp tục đi, còn chị ấy cứ tiếp tục nghỉ…"
      Chị Ra lo lắng "Nó không biết đường ở đây. Đáng lẽ em nên chờ nó mới phải chứ".
      Anh Than ngồi xổm xuống nệm, không trả lời. Đầu anh gục xuống trên cánh tay đặt trên đầu gối.
      "Athy, sáng mai em đi tìm chị ấy. Em cứ nhìn quanh quẩn đường vào trại sẽ thấy chị ấy thôi". Anh Than mệt mỏi nói, giọng anh đã trấn tĩnh và có phần quan tâm hơn.
      Trời vừa rạng sáng, tôi đã nhỏm dậy khỏi tấm nệm. Điều đầu tiên tôi nghĩ tới là chị Ry. Tôi chạy đi liền, hy vọng chị chưa dậy và chưa bắt đầu đi tìm chúng tôi.
      Dọc theo con đường đất đầy cỏ dại hai bên là hàng cây lớn, tôi kiếm chị Ry. Tôi kiểm tra một, hai, ba lần, đi xa khỏi trại, nhưng vẫn không thấy chị. Tôi nỗ lực lần thứ tư và cũng là lần cuối cùng, vẫn không thấy dấu vết gì của chị. Tôi bật khóc.
      Đại ka Forum
      Vip Member

      Gender : Nữ

      Posts : 7493

      Points : 116345

      Liked : 7676

      : 18/04/1993

      #83

       28/7/2011, 11:07

      Không biết làm gì nữa, tôi đứng dựa vào một cái hàng rào làm bằng những thân cây mới cưa bao quanh một cánh đồng mở rộng gồm bụi cây và gốc cây. Tôi quan sát những người trẻ tuổi gầy gò đang tập nhảy qua những gốc cây, làm động tác giương súng nhắm bắn một thân cây. Có một người loạng choạng và té nhào xuống. Có tiếng cười vang lên từ hai bên phía hàng rào. Quay đầu lại nhìn, tôi thấy một đám trẻ em đang cười khúc khích cùng với một vài người lớn đang đứng xem.
      Vui theo chúng, tôi cũng cười. Càng có nhiều người té chúng càng cười lên ha hả trước sự vụng về của họ. Đột nhiên có hai bàn tay lạnh ngắt bịt chặt lấy mắt tôi. Giật mình, tôi quay ngang và nghe thấy tiếng cười khúc khích. Tôi giơ tay lên gỡ hai bàn tay kia ra nhưng nó càng xiết mặt tôi chặt hơn.
      "Ai đó? Ai đó?" Tôi bực mình hỏi.
      không có tiếng trả lời.
      Tôi quặt tay ra đàng sau và đánh người bịt mắt tôi, mặc dù không biết đó là ai, người kia né tránh được và kéo ngược đầu tôi ra sau. Tức giận, tôi kéo mạnh đôi tay đang bịt mắt mình và lần này nó tuột ra. Tôi quay ra sau và nhìn thấy chị Ry đang nhìn tôi cười trêu cợt.
      Chị cười khúc khích đưa tay chỉ vào tôi "Chị đứng sau lưng em mà em chẳng biết gì hết. Em xem họ và cười nữa". Chị bắt chước tiếng cười của tôi, coi bộ rất vui thích.
      Chúng tôi vội vã trở về lều. Chị Ry nói cho tôi biết chị đã ngủ ở đâu và ăn gì tối hôm qua. Chị bảo chị dùng một ít vàng mang theo để mua một bữa ăn tối, và tìm được một gia đình cho chị ngủ nhờ trong lều của họ. Chị thoải mái thật! Trong khi tôi ở trong lều bồn chồn lo âu cho chị. Bây giờ thì tôi đã nhẹ lòng cám ơn Trời Phật đã để cho chị về nhà, một mái nhà không phải được định nghĩa bởi cái trại nơi chúng tôi đang sống, hay bởi mái lều che trên đầu chúng tôi, mà đúng hơn bởi những người còn sống sót tụ họp nhau lại.
      Lều của chúng tôi bây giờ chật cứng vì có thêm chị Ry và Map, nhưng chúng tôi không còn cách nào khác. Tôi nhớ đến một bài hát quen thuộc "chật bụng chứ chật chi nhà".
      Chị Ra đã nói với chị Ry, anh Than và Map rằng chị sẽ lấy anh Vantha, và có vẻ mọi người đều đồng ý. Tất cả chúng tôi cho rằng việc đó là quyết định của chị.
      Một tối nọ chị Ra và anh Vantha đi dạo chơi quanh trại, và trở về dắt theo một bé gái chừng sáu tuổi. Con bé gầy guộc, chỉ cao ngang Map, mặt nhem nhuốc bụi đất, nước mũi chảy nhoe nhoét, tóc cắt ngắn như con trai và áo quần rách tả tơi.
      Ngồi xuống nệm giữa chị Ra và anh Vantha, con bé còn thút thít rồi đưa tay quệt nước mũi. Anh Vantha đưa mắt nhìn nó hãnh diện.
      "Ara và anh muốn nhận nó làm con nuôi. Nó mồ côi. Mình đặt tên nó là gì nhỉ?"
      Chị Ra ngẫm nghĩ, đăm đăm nhìn con bé. "Mình đặt tên cho nó là Savorng (chim sáo), vì nó phát âm và nói chuyện như Sakira[1]". Chị có vẻ hãnh diện vì đã chọn tên này.
      Anh Vantha đồng ý, anh nghĩ rằng Savorng là một đứa bé rất khôn. Anh kể rằng anh và chị Ra thấy đứa bé này trên một lối đi gần chợ. Nó đứng xin người qua đường bằng một giọng trẻ con nhưng rất chững chạc "Cô ,dì, chú, bác ơi xin giúp con. Xin cho con ít tiền. Con chúc gia đình cô, dì, chú, bác luôn được sống lâu, khoẻ mạnh".
      Map ứa nước mắt và xích sát lại gần chị Ra – Savorng cũng làm như vậy và tuyên bố "Đây là mẹ tao!" Nó lấy tay hất tay Map đang đặt trên chân chị Ra ra.
      Map khóc oà vì thất vọng, vì bị bỏ rơi. Anh Vantha bật cười thú vị. Chị Ra thì cuối cùng cũng hướng sự chú ý sang Map và choàng tay lên người nó. Map khóc mãi và khóc dữ hơn khi thấy vài bộ áo quần của nó được lấy ra cho Savorng mặc khi con bé tắm xong. Nó chạy đến và giằng lại cái áo.
      "Không! Đây là áo của tao!" con bé nói và trừng mắt nhìn Map.
      Việc di chuyển đến một trại ở Thái Lan không bao giờ thực hiện được, những lời cảnh báo về sự tấn công của Khmer Đỏ thì lại đột ngột xuất hiện trong trại. Chúng tôi bèn tập trung trước cửa lều để bàn tán. Theo người ta nói, ngày mai, vào khoảng mười giờ sáng, Khmer Đỏ sẽ tấn công trại. Mục đích của chúng là chiếm lấy trại lính của PARA , và thế là chúng tôi bị kẹt trong vùng chiến trận, một người đàn ông buồn thảm báo lại như thế. Trước khi trở về nhà riêng của mỗi người, một vài phụ nữ lớn tuổi đề nghị rằng chúng tôi nên dậy sớm để nấu ăn. Họ lý luận, nếu bị bắt buộc phải chạy nữa, ít nhất chúng tôi cũng no bụng cái đã.
      Thế là chúng tôi dậy sớm và chuẩn bị một bữa ăn thật ngon. Thức ăn nóng được múc ra đặt trên nệm. Bảy đĩa cơm. Hai bát canh với dứa xắt lát, cá đồng, củ sen, cà chua, bạc hà, hành xanh, và tỏi xắt nhỏ. Giữa hai bát canh là một đĩa cá tươi chiên với dưa chuột thái nhỏ và hai chén nước chấm chua ngọt.
      Tôi ăn vài miếng, nhưng bụng lo lắng quá lại không ăn được, tôi bèn bước ra ngoài. Tôi đi quanh lều đến góc sân sau rồi leo lên gò đất, sau đó leo lên một trong hai cây to gần đó. Tôi leo lên cao hơn nữa, cách xa hẳn mái lều. Nếu quay người, tôi có thể thấy đủ mọi hướng.
      Nhìn về phía cánh rừng bên tay phải, tôi thoáng thấy có gì bất thường – những chiếc khăn kẻ trắng đỏ lấp ló giữa hàng cây cao xanh mướt. Những người mặc đồ đen. Một người mang khẩu súng phóng lựu. Những người khác thì mang súng trường hoặc súng ba zô ka.
      Tôi bèn gọi lớn cho các anh chị "Em thấy bọn Khmer Đỏ. Em thấy bọn Khmer Đỏ. Chúng có súng. Một tên cầm một khẩu "hoa chuối" [2]. Chúng mặc áo quần đen. Chính là Khmer Đỏ. Chắc chắn là Khmer Đỏ rồi!"
      Chị Ry chạy vụt về phía gò đất, nhìn về phía rừng nơi tôi chỉ. Mấy người hàng xóm chui ra khỏi lều đến tụ tập ngay trước lều chúng tôi.
      Trong khi tôi còn ở trên cây, một quả pháo nổ ngay phía sau lều. Rồi tiếng súng gầm lên, trút xuống cả trại. Tôi sợ cứng người, bám chặt lấy thân cây. Còn Ra, Map và mọi người thì lao xuống mương và các hố nước. Chị Ry vẫn nằm trên gò đất, khóc.
      "Chị Ry, giúp em với!" tôi gào đến khản cổ. Vẫn nằm dài trên gò đất, chị Ry vẫy tay bảo tôi leo xuống nhưng tôi lắc đầu, nước mắt chảy giọt xuống.
      Tôi sợ có viên đạn nào đó bay đụng vào tôi.
      "Chị Ry…" tôi áp mặt vào thân cây, vẫn gào.
      "Athy, xuống đây!" chị Ry kêu lên một tiếng thật dài.
      Tôi nhìn khuôn mặt đã dại đi của chị và lắc đầu. Đột nhiên nhiều tiếng nổ liền nhau, tiếng này sau tiếng kia, tạo ra một loạt tiếng động làm rung chuyển cây cối và lều chúng tôi. Mình phải leo xuống, mình phải leo xuống. Nhưng mình sẽ trúng đạn mất! Tôi khóc, thất vọng cùng cực.
      Chị Ry nhìn lên, vẫy tay lại. Tôi cố tập trung vào mặt chị rồi trụt dần xuống, lăn đến bên chị, ôm chặt lấy gò đất. Tay và hai lòng bàn chân tôi sưng rộp lên vì trượt từ cây xuống, nhưng bây giờ cái đau đớn đó bị chìm đi bởi tiếng động khàn khàn, bất tận của tiếng súng.
      "Mak ơi, Pa i, Chúa ơi, xin che chở cho con, xin che chở cho con…" chị Ry cầu nguyện một cách điên dại. Chị nắm lấy mớ đất rồi rắc lên đầu mình liên tục.
      Bị lây bởi cơn cuồng loạn của chị, tôi bắt đầu cầu nguyện như chị. Tôi gọi linh hồn của Mak, của Pa, gọi cả Chúa, rồi cũng rắc đất lên đầu, lên mặt đồng thời cố gắng thở.
      Chị Ry và tôi bò về phía sau gò đất, nơi đối diện với vùng mà tôi thấy bọn Khmer Đỏ hồi nãy. Ở đây có một người nằm thở hổn hển, đầu đầy máu, mặc đồng phục giống áo quần của lính PARA.
      Đại ka Forum
      Vip Member

      Gender : Nữ

      Posts : 7493

      Points : 116345

      Liked : 7676

      : 18/04/1993

      #84

       28/7/2011, 11:07

      Chị Ry bò lại gần ông ta "Chú ơi, chú bị thương ở đâu? Cháu giúp chú nhé?" Giọng chị ấm và dịu dàng.
      Người đàn ông nhợt nhạt chậm chậm mở miệng "Tôi bị trúng đạn ở thái dương. Khát lắm, nhưng có lẽ không sao đâu. Có một người đàn bà nấp bên cạnh tôi đây này", ông đưa tay chỉ. "Bà ta chảy máu nhiều lắm, bị thương ở bụng".
      Theo tay ông ta chỉ, tôi thấy người đàn bà, nhợt nhạt nằm trong một vũng máu. Thấy rằng chúng tôi có thể là người kế tiếp trúng đạn, tôi đề nghị với chị Ry rằng mình sẽ bò xuống vùng đất thấp hơn để ẩn nấp. Chị đồng ý, và khi một trái pháo nổ gần bên cạnh, chị Ry bò thật nhanh, biến mất vào trong hồ nước gần lều chúng tôi, để mặc tôi kinh hoàng trên mặt đất.
      Nằm sấp bụng, tôi ráng sức bò đến vách lều, hy vọng tiếng nổ lốp bôp dữ tợn của súng trường sẽ dịu bớt để tôi kịp chui vào mương cùng với gia đình. Đột nhiên một trái pháo khác lại nổ. Trong một thóang khủng khiếp, tôi phóng cả người xuyên qua vách lều, bò qua lều và chui xuống mương.
      "Lạy Chúa ở trên trời, xin hãy giúp chúng con, xin giúp chúng con. Xin cứu chúng con khỏi điều ác, khỏi bom đạn. Xin giúp con cái chúng con…" Một người đàn bà vừa nằm sấp vừa lớn tiếng cầu nguyện, hai lòng bàn tay vẫn chắp vào nhau.
      Một nhà buôn người Thái mà tôi đã gặp trước đây núp trong một cái rãnh giống như cái hầm ngay trong mương. Ong ta say sưa dùng tay cào mặt đất đầy những mảnh thuỷ tinh vỡ, tay ông đầy máu đỏ tươi pha lẫn với đất.
      "Xin Samdech Aov (cha của các ông hoàng), hãy giúp chúng con. Hãy giúp chúng con, hỡi Samdech Aov…" một bà già cầu nguyện, hai lòng bàn tay ép chặt vào trán.
      Samdech Aov? Tôi quên mất lời cầu nguyện thầm của mình khi nghe nhắc đến con người này trong lời cầu nguyện của người đàn bà già nua. Ông Hoàng Shihanouk. Ông ta là người, hình như từng là vua, nhưng không phải là một vị thần. Tôi nhìn bà không tin, và trong một lúc tâm trí tôi tắt hẳn tiếng gào thét và tiếng ồn ào chung quanh.
      Tiếng pháo và tiếng súng ngưng lại. Chúng tôi ngồi lên và nhẹ nhõm, tuy vậy chúng tôi chưa biết chắc mình sẽ làm gì tiếp. Rồi một trong sô
      Chúng tôi chia sẻ cho nhau nỗi sợ hãi của mình, kể lại mình hút chết như thế nào. Một người đàn bà, hàng xóm của chúng tôi, kể huyên thuyên, tay vung vẩy "Hồi nãy tôi chẳng biết chuyện gì xảy ra nữa, rồi đột nhiên một quả pháo nổ làm tôi sợ muốn chết, hồn vía bay đâu mất. Rồi tôi thấy Ry đang bò, tôi bèn bò theo, đầu áp sát đất…" Khuôn mặt lo lắng của chị Ra hình như cũng muốn kể chuyện mình. Khuôn mặt của những người khác là tấm gương soi của người đang kể lại câu chuyện. Rồi đột nhiên mọi cái đầu bỗng quay về phía cánh rừng nơi tôi đầu tiên thấy Khmer Đỏ. Tôi giật mình thấy nhiều người đàn ông đang tiến về phía chúng tôi, mặc đồng phục đen và quấn khăn rằn quanh cổ, đeo trên vai là súng trường, ba zô ka, súng phóng lựu, quanh hông quấn đầy băng đạn.
      Đi ngang qua, họ nhìn chúng tôi. Tôi nhìn họ, chuẩn bị tinh thần cho lúc họ xả súng bắn chúng tôi. Mọi người khác cầu xin tha mạng. TG không làm thế. Tôi tê liệt vì quá sợ.
      "Chúng tôi không giết các người đâu", một người Khmer Đỏ cao cao tuyên bố, giọng nghiêm khắc.
      "Cám ơn Lok, cám ơn các ngài rất nhiều…" Người phụ nữ hàng xóm của tôi vừa nói vừa khóc, hai tay chắp lại, đưa lên trán nhiều lần.
      Ngay khi họ vừa khuất sau dãy lều, súng lại nổ. Mọi người kêu la như trước. Lính Khmer Đỏ đang xung đột với lính PARA ở đâu đó trong khu vực trại. Mọi người leo lên khỏi con mương, chạy hoặc khom mình theo con mương vào rừng. Trong giây phút ấy tôi không còn biết các anh chị em tôi ở đâu nữa. Tất cả những gì tôi biết là chạy cứu lấy thân. Đột nhiên một viên đạn bay vù tới, tôi vọt về phía trước, tránh đạn, và khi tôi nhìn tới thì tôi thấy chị Ry, tay cầm tay Map, và chị Ra cùng với Savorng. Tôi cảm tạ linh hồn Mak và Pa đã che chở cho tôi.
      Trong rừng cây, chúng tôi dừng lại nghỉ. Các gia đình khác cũng làm vậy. Vào ngày thứ hai, anh Than, anh Vantha và những người đàn ông khác đi liều xuyên rừng gần Thái Lan. Khi trở về, họ rất phấn khích. Họ bảo rằng họ đã trông thấy "người Mỹ". Và những người Mỹ này bảo họ rằng chúng tôi sẽ được đón và mang vào trong nước Thái Lan.
      Vài ngày sau, trước khi chúng tôi có thể thấy được điều gì, tiếng động cơ xe tải hướng đến gần. Nó nhô ra từ hàng cây cao rồi tiến theo con đường trong một đám mây bụi mù mịt. Rồi một chiếc, rồi một chiếc khác nữa. Cả thảy ba chiếc xe tải, mái phủ vải dày. Mọi người chạy lại gần xe. Đàn bà và trẻ em được đưa lên một chiếc xe trước mặt chúng tôi. Còn đàn ông thì lên một chiếc khác dành riêng. Chẳng bao lâu, xe đã đầy người. May mắn thay, chúng tôi đều ở trong xe cả.
      Dựa vào cửa sau xe, tôi nhìn quang cảnh phía biên giới Cambodia đang khuất dần qua làn bụi. Rồi tôi thấy thảng thốt – tôi đang rời bỏ quê hương. Tôi nói thầm lời từ biệt với những linh hồn của gia đình tôi. Giã biệt Mak, Giã biệt Pa…Chúng con phải đi….
      Chú thích:
      [1] Gân giống với avorng, tên của một lọai chim màu đen, có vệt vàng và trắng trên đầu, có thể tập nói tiếng người được
      [2] Gọi thế vì trái đạn được gắn vào nòng súng trông giống hình dạng một cái hoa chuối
      Đại ka Forum
      Vip Member

      Gender : Nữ

      Posts : 7493

      Points : 116345

      Liked : 7676

      : 18/04/1993

      #85

       28/7/2011, 11:07

      Trại Khao I Dang
      Đoàn xe vận tải đã đi qua những con đường không trải nhựa bụi bặm giữa những hàng cây và những cánh đồng trống không, hết con đường ngoằn ngoèo này sang con đường khác. Rồi đoàn xe đi vào một cánh đồng cháy xém dưới đất đầy tro than và những gốc cây, rạ đen kịt nhỏ bằng ngón tay đến lớn bằng cổ tay. Trông giống như những que diêm bị đốt cháy.
      Trút chúng tôi xuống xong, đoàn xe lại quay ra, lần lượt chạy đi. Một người đàn ông cho chúng tôi biết rằng mấy chiếc xe này quay trở lại đón những người còn lại, và sẽ chở thức ăn nước uống cho chúng tôi.
      Trên cánh đồng này không có bóng mát để núp, thế là chúng tôi phải đứng chân trần trên mặt đất nóng bỏng, chân tôi đen kịt và dính đầy tro. Mấy đứa bé khóc đòi uống nước mà không ai trong chúng tôi có một giọt nước nào cả. Map và Savorng cũng vừa khát vừa đói, mặt chúng buồn bã, sầu thẩm, lông mày nhíu tít lại. Xe chở thêm nhiều người tị nạn Cambodia nữa, và sau đó đến tối thì cuối cùng thức ăn và nước uống cũng được mang đến cho chúng tôi. Đêm đến chúng tôi nằm ngủ trên đất, bầu trời là mái nhà.
      Đến ngày hôm sau, đoàn xe lại chở đến cho chúng tôi tre, rơm và dây buộc. Mọi người, từ đàn ông, đàn bà và trẻ em đều giúp vào việc dựng lều, chia công việc từ vác tre cho đến mang dây cho cánh đàn ông Cambodia dựng nhà. Trong vài ngày những ngôi lều mái rơm chia thành mười khu cho mười gia đình được dựng lên cạnh nhau, chỉ cách một lối đi nhỏ. Cứ mỗi khu, chỉ định một người trưởng khu đại diện cho các gia đình, nhằm bảo đảm việc nhận đủ thực phẩm. Trại này được gọi là trại Khao I Dang [1], quanh trại rào kẽm gai, gần đó có một vài lính Thái đi tuần tra. Họ làm cho chúng tôi cảm thấy an toàn, không còn sợ Khmer Đỏ nữa.
      Chúng tôi được phát đĩa, bát, xô nhựa nhiều màu cùng chăn màn. Tất cả những thứ đó là cả một ân huệ cho chúng tôi, và tôi rất nhớ điều này. Tuy nhiên tôi vẫn ao ước cái ngày chúng tôi không nhận khẩu phần thức ăn nước uống nữa, tức là khi mỗi người chúng tôi tự múc cơm ăn và cháo mà không còn phải lo mình có lấy quá nhiều không.
      Vài tuần sau khi chúng tôi đến đây, các con buôn người Thái cũng đến nơi hàng rào, lảng vảng ở đó, cách xa chỗ lính gác. Chúng tôi đói, và thế là họ mang bắp nấu, trứng, rau đến bán cho chúng tôi. Tin này lan ra khắp trại. Vào ban đêm, trẻ em và đàn ông chạy qua hàng rào để buôn bán khiến cho một bé trai bị lính bắn chết.
      Một tháng sau, thay vì chạy đến hàng rào để mua bán, các con buôn người Thái mang luôn hàng vào trong trại. Sau nửa đêm, tiếng bước chân nhè nhẹ và tiếng nói khe khẽ, lo âu vang lên dọc theo lối đi hai bên lều chúng tôi. Họ phải cố giữ hoạt động kín đáo đừng cho lính Thái biết.
      Đêm nào cũng có buôn bán, sau đó là rượt đuổi dọc theo các hẻm nhỏ, sau cùng là việc lục sóat lều của dân tị nạn. Với tất cả các chuyện đó, dầu chúng tôi có dính vào các việc mua bán hay không, chúng tôi cũng bị phiền nhiễu. Nhưng những kẻ khổ nhất là những người Cambodia mua hàng bị bắt, họ bị lính đá và đánh đập bằng báng súng. Cuối cùng thì một cái chợ dã chiến mọc ra vào ban ngày, bán đầy bún, rau, cả những chiếc xà rông và áo hoa rất đẹp.
      Còn hôm nay thì căn lều của chúng tôi thơm lừng mùi cà ri ngọt ngào nấu với nước dừa tươi ép ra, thịt bò, hành, đậu tây, khoai. Trong cái bọc nhựa màu xanh đặt trên xô nước là những bó bún sắp theo hình xoắn ốc, dùng để ăn với cà ri bò, giá, bạc hà. Có mười lăm khách, phần lớn là bạn của chị Ra, anh Vantha, tụ tập trong lều của chúng tôi. Một số ngồi gấp chân trên tấm nệm trải trên nền đất gần chị Ra và anh Vantha. Một số khác đứng gần cửa.
      Savorng, Map, chị Ry, anh Than và tôi ngồi trên cái sàn tre nơi chúng tôi thường ngủ, nhìn chị Ra và anh Vantha làm lễ cưới nhau dưới sự chủ trì của một người đàn ông già, có lẽ trước đây là một nhà sư. Nơi góc xa của chiếc sàn tre là đồ cúng mà chị Ra làm để cúng linh hồn của Pa, Mak, chị Chea, em Avy và em Vin, anh Tha và cả linh hồn của tổ tiên nữa. Hai bát cà ri, hai bát bún, hai ly nước, một nén nhang cháy được cắm chắc vào lon đựng gạo. Đồ cúng này là lời mời những người chết đến dự buổi đám cưới, đồng thời cũng có nghĩa là lời cầu xin linh hồn người chết mang lại hạnh phúc và sức khoẻ, hoặc bất cứ điều gì chị Ra cầu xin.
      "Xin Ara và Vantha cưới nhau nhiều hạnh phúc và nhiều con cái". Người bạn thân nhất của anh Vantha là chú Lee khấn vái. Mọi người cười ồ lên.
      Chị Ra, hai mươi hai tuổi, mỉm cười bẽn lẽn. Mặt chị mịn màng, thanh nhã. Tóc chị chải khéo, uốn cong lên, trông chị giống ngôi sao điện ảnh Trung Hoa với chiếc áo viền đăng ten màu kem từ hồi ở Phnom Penh mà chị cố giữ nguyên lành suốt trong thời gian Khmer Đỏ cai trị.
      Chú Lee cười nhiệt thành rồi ngắm chị Ra, ngắm anh Vantha. Trước đây chú thường đến lều chúng tôi và quen biết gia đình chúng tôi. Chúng tôi cũng biết gia đình chú. Chú thường hối anh Vantha cưới chị Ra. Nhiều lần chú cảnh cáo anh trước mặt chúng tôi "Nếu cậu không lấy cô ấy thì chính tôi sẽ cưới cô ấy đấy. Tôi không đùa đâu. Cậu còn đợi gì nữa? Cô ấy là một phụ nữ tốt và thuộc về một gia đình tốt".
      Anh Vantha và chị Ra đã bán sợi dây chuyền vàng hai mươi bốn cara để mua thức ăn cho lễ cưới. Vợ của chú Lee giúp chúng tôi mua thịt, rau, bún, các thứ, cũng như lo việc nấu nướng cho bữa tiệc.
      Đại ka Forum
      Vip Member

      Gender : Nữ

      Posts : 7493

      Points : 116345

      Liked : 7676

      : 18/04/1993

      #86

       28/7/2011, 11:08

      Khi đêm xuống và mọi người đi ngủ, một giọng nhẹ nhàng hát nho nhỏ một bài hát. Một bài hát đầy sự háo hức, ham muốn và tiếc nuối. Đó là chị Ra, phát ra từ căn phòng chị tự làm lấy bằng cách treo màn phủ khắp cái sàn tre phía đối diện nơi chúng tôi ngủ.
      "Ô..háo hức biết mấy tất cả các cảm xúc bồn chồn…
      Trong đêm mật ngọt này tôi tiếc cho tấm thân tôi
      Hm…tiếc, tiếc thay, một tấm thân như nụ hoa sắp nở
      Giờ đây con ong đã lấy mất mật ngọt và bay đi xa
      Nếu chàng rời bỏ tôi thật, tim tôi sẽ tan nát
      Và khi đó sẽ chỉ còn nước mắt.
      Thế ra đây là tình yêu, mà tôi đã biết trong cái đêm đầu tiên
      Xin hãy nhẹ nhàng, dịu dàng với em
      Anh yêu, anh yêu, người ta chỉ là trinh nữ một lần duy nhất
      Không thể có hai lần"
      Chúng tôi đến Khao I Dang ba tháng trước, vào tháng 11 năm 1979. Bây giờ ở đây có một lớp học tư tiếng Anh được mở ra. Tôi phải kiếm cách để trả tiền học phí, khoảng 150 baht[2]. Đó là một số tiền lớn đối với tôi vì tôi chẳng có lương hay tìền trợ cấp, ngoại trừ khẩu phần thực phẩm. Tôi quyết định dùng số vàng đã mang theo từ Sala Krao và đã không đưa hết cho anh Vantha. Tôi tự bảo, mình sẽ dùng số vàng này để đổi lấy việc học. Tôi sẽ đem bán số vàng ấy đi và tốt hơn là nên giữ chuyện này cho một mình mình biết.
      Chị Ra tắt kinh, chị bị đau ốm, thế là sau đó chị phải thôi không đi học lớp tiếng Anh. Các bà hàng xóm bảo rằng chị có bầu. Họ nói khi một người phụ nữ có bầu, họ thường khó chịu vào buổi sáng. Cô ta sẽ nôn oẹ, mệt mỏi và rất thèm những thứ như xoài xanh, me chua.
      Mấy người hàng xóm nói, khi không có những thứ đó để ăn, thì mình sẽ thấy đau đớn, cồn cào trong ruột. Và Ra có những triệu chứng của một người bị ốm nghén. Chị háo hức nói với các bà rằng chị thèm ăn, và họ cười vang. Chị Ry và tôi cũng cười, còn chị Ra mỉm cười bẽn lẽn.

      Mọi người bàn tán về cuốn phim sắp được chiếu ở trại. Đó là một cuốn phim về Ki tô giáo, theo những người hàng xóm cho biết, và về Jesus Christ. Tôi có nghe về Jesus Christ trước đây do chị Chea kể khi chị học về Người thời còn ở Phnom Penh và hát một số bài hát cho chị Ra, chị Ry và tôi nghe. Bây giờ tôi muốn biết về Người. Có khác với Đức Phật không? Ngày chiếu phim đến, tôi và gia đình đi ra một cánh đồng trống có nhiều người đứng sẵn trước một màn ảnh lớn cắm chắc trên một gò đất.
      Phim bắt đầu chiếu thì trời đổ mưa. Mới đầu là mưa bụi sau là mưa lớn. Một vài người có dù, nhưng phần lớn chúng tôi đứng ướt sũng dưới cơn mưa. Đàn ông cởi áo che lên đầu, phần lớn trẻ con lạnh run cùng với người lớn ra về, cả gia đình tôi cũng thế. Tôi run bắn lên, hai tay ôm chặt lấy người, nhưng vẫn khóc khi thấy tay chân của Jesus Christ bị đóng lên thập tự giá. Dẫu tôi không hiểu điều đang nói trong phim, tôi rất đau buồn và thấy gắn bó với cuốn phim, với Jesus Christ, và với nỗi buồn của những kẻ thương tiếc Người.
      Tôi nghĩ đến Pa và việc hành hình ông.

      Chị Ra đi chợ về. Đặt giỏ đồ ăn xuống chị cười rạng rỡ. Bụng chị đã tròn, nhô ra giống như chị đặt một trái dưa hấu dưới lần áo. Chị Ry và tôi nóng lòng nóng ruột muốn biết chị nghĩ gì. Không biết điều gì làm chị sung sướng đến khờ ra như vậy.
      Chị cười, chùi hay bàn tay vào nhau như chuẩn bị để trình bày sự phấn khích của mình rồi lại đi ra khu nấu bếp. Quá mệt vì căng thẳng, tôi gọi với theo "Chị Ra, chuyện gì vậy? Chị cười vì cái gì vậy?"
      "Em có muốn biết sáng nay chị gặp ai ở ngoài chợ không?"
      "Ai vậy?" Chị Ry và tôi hỏi hầu như cùng một lúc.
      "Chị gặp cô Eng (em họ của Pa). Thấy cô, chị nghĩ, ai đây nhỉ, mình đã gặp người này trước đây rồi. Sau đó thì chị nhớ ra. Các em có biết cô bảo chị thế nào không?"
      "Cô bảo chị cái gì?" tôi hỏi.
      Chị Ra kể, cô Eng đã tìm ra chú Seng, người đã rời khỏi Cambodia hai ngày trước khi Khmer Đỏ nắm quyền, hiện giờ chú đang sống ở Mỹ. Cô đã viết thư cho một người bạn của cô sống ở California hỏi cô ấy thử có biết chú Seng không. Bạn cô trả lời quả thực cô có biết một người tên là Leng Seng, hiện sống ở tiểu bang Oregon. Cô Eng bèn viết thư yêu cầu chú bảo lãnh cho gia đình cô qua Mỹ. Hiện giờ chú đang làm thư ký tại đó. Như thế, chị Ra nôn nả nói, chúng mình cũng có thể qua Mỹ.
      Tôi nhảy lên, thụp xuống như đang tắm suối. Tôi cười, chụp lấy cái tin kỳ diệu, khó ngờ này một cách háo hức. Sau chừng đó năm nhọc nhằn và mất mát, tôi hồi tưởng, chúng tôi nhận được tin này. Chú Seng, người em trai duy nhất của Pa còn sống, và chú sẽ mang chúng tôi qua Mỹ. Ôi Chúa ơi, xim cảm ơn Người. Tôi nhảy lên, ngâm nga và cười.
      Sau hai tháng học tiếng Anh, tôi phải chấm dứt, chị Ra thiếu ăn. Có đêm chị bảo tôi và chị Ry rằng chị thường khóc, ước ao có thức ăn như chị muốn. Vì chị không còn một xu nào sau khi bán sợi dây chuyền vàng, chị thường đi rảo vòng quanh chợ để nhìn ngắm những thức ăn chị thèm, ước ao mình có tiền để mua.
      Tôi không đành lòng nhìn bộ mặt bi thảm của chị và quyết định cho chị tất cả số tiền còn lại từ lúc bán vàng. Mắt chị Ra sáng lên khi nhìn thấy sốt tiền ấy. Chị cầm lấy tiền, áp vào tim và mỉm cười. Chị Ry cũng nhìn tôi, ngạc nhiên và hạnh phúc. Sau đó ba người chúng tôi đi ra chợ, mua bất cứ thứ gì chị Ra thấy thèm, và chị là bà bầu sung sướng nhất mà tôi đã từng thấy.
      Đại ka Forum
      Vip Member

      Gender : Nữ

      Posts : 7493

      Points : 116345

      Liked : 7676

      : 18/04/1993

      #87

       28/7/2011, 11:08

      Vào một ngày nắng, Map, Savorng và tôi đứng sắp hàng chờ lãnh phần nước. Hai đứa con gái, một trạc tuổi tôi, đứa kia bằng tuổi Savorng, đi đến chỗ chúng tôi và gọi Savorng là "Peang". Đứa nhỏ hơn cầm tay Savorng và mỉm cười, Savorng giật tay lại bước sát vào tôi. Đứa con gái hỏi Savorng đang sống ở đâu. Savorng hé mắt nhìn hai đứa con gái, bối rối, rồi nhíu mày, đưa mắt nhìn tôi như thể xin tôi giúp đỡ.
      Tò mò, tôi hỏi chúng làm sao chúng biết Savorng. Đứa con gái lớn bèn kể cho tôi nghe câu chuyện của gia đình Savorng. Lúc trước, ở một ngôi làng bên Cambodia, sau khi cha mẹ của Savorng chết, một gia đình Khmer Đỏ đem nó về nuôi. Sau khi bộ đội Việt Nam tiến vào Cambodia vài tháng trước, gia đình này bỏ trốn vào rừng, bỏ Savorng lại. Sau đó khi có nhiều gia đình rời làng, đi di cư tại trại New Camp, nó đi theo họ rồi sống với một bà già trong trại này. Bà già bảo nó đi xin thức ăn và xin tiền, đó chính là lúc chị Ra và anh Vantha gặp nó và mang nó về nuôi.
      Tôi bảo hai đứa con gái bây giờ thì Savorng ổn rồi. Nó sống với gia đình chúng tôi và chúng tôi đã đặt tên lại cho nó. Hai đứa kia có vẻ mừng vì gặp nó và nghe nó đã ổn định. Savorng thì chỉ đứng yên, liếc mắt nhìn hai đứa kia một cái rồi cắm mặt nhìn xuống mặt đất đầy sỏi.
      Đứng chờ để được phân phối nước, tôi ngẫm nghĩ về cuộc đời của Savorng. Về cha mẹ đã chết của nó, về gia đình Khmer Đỏ đã mang nó về nuôi. Thật thú vị khi định mệnh đã mang nó lại cho chúng tôi, vốn cũng là những đứa trẻ mồ côi. Tôi buồn khi nghe chuyện nó, nhưng nhẹ lòng vì nó đã ở với chúng tôi, và hy vọng rằng nó cũng sẽ cùng qua Mỹ với chúng tôi nữa.

      Khao I Dang mở rộng rất nhanh. Lều mới được dựng lên để thích hợp với dòng người đổ vào đây. Về sau còn có tin đồn trong chúng tôi rằng một số lớn người dân đã bỏ Cambodia đi và hiện đang sống ở biên gíi. Tôi rằng buồn khi thấy Cambodia trở thành một cái nơi càng ngày càng ít người muốn sống ở đó, mặc dù tôi rất hiểu cái nhu cầu phải lìa quê cha đất tổ khi mà chiến tranh và áp bức đã đè nặng lên cuộc sống của chúng tôi quá lâu.
      Một số người không thể đợi để được mang đến Khao I Dang hay những người không có cơ may để đến đó do tình trạng pháp lý của họ khi đến được biên giới, đã trả tiền cho những người Cambodia đưa họ sang biên giới lậu. Một trong số đó là chú Aat, anh em họ của anh Vantha từ tỉnh Kompong Cham. Cứ mỗi người Cambodia nhập lậu vào trại này, phải trả một số tiền cho lính Thái gác trại.
      Để phụ thêm vào khẩu phần ít ỏi của chúng tôi, anh Than, lúc này đã 16 tuổi, quyết định cùng với vài người đàn ông lớn hơn đi ra biên giới và đưa người lậu vào. Sau đó anh tổ chức đường dây riêng của mình vì anh biết đường về New Camp trên đất Cambodia và đã học tiếng Thái để tiếp xúc với lính Thái. Khi anh đi lâu hơn anh dặn, tôi rằng lo lắng. Tôi tưởng tượng anh bị bắn và bị lục lấy hết tiền. Khi anh về, tôi nhẹ cả người, nhìn anh ngưỡng mộ và phục sự can đảm của anh và vì anh đã giúp gia đình có tiền mua nhiều thức ăn hơn. Sau đó khi chú Aat và anh Vantha cùng đi với anh, tôi mới yên lòng và ngủ được.
      Nỗ lực học tiếng Anh của tôi không ngừng lại mặc dù tôi không còn tiền để trả tiền học phí nữa. Tôi tự học Anh văn một mình. Tôi ôn lại các bài dịch từ cuốn Essential English Book 1 tôi mua được và từ cuốn tập của mình. Tôi tự tìm từ ghép thành câu rồi đọc lớn lên cho mình nghe.
      Tôi cũng tìm được một cách khác để học tiếng Anh nữa. Khi đi lang thang quanh trại, có một lần tôi nghe lỏm các từ tiếng Anh phát ra qua một khung cửa sổ nhìn xuống lối đi hẹp. Tôi lần theo tiếng nói và thấy bốn người đàn ông đang đứng trong một ngôi lều dài, đang ghi chép vào trong sổ tay. Nhón gót lên, tôi nhìn qua vai họ vào lớp học và thấy các chữ tiếng Anh cùng các nguyên âm được chép trên bảng đen.
      Dầu đã tiến sát về phía trước, tôi cũng chỉ mới nghe được các từ tiếng Anh từ miệng thầy giáo. Tôi phải tranh thủ đến sớm để giữ được chỗ gần cửa sổ để có thể nhìn thấy bảng đen, trong khi đó cũng có nhiều người khác khám phá ra chỗ này. Phần lớn là đàn ông, cũng có một vài phụ nữ, đến tụ tập phía sau chúng tôi, nhìn qua vai chúng tôi, họ chép lại từ sổ chúng tôi, và những người đàng sau họ lại chép lại từ sổ, giấy của họ. Ngày qua ngày, càng có nhiều người đến đây, làm nghẽn cả con hẻm. Cái đám đông học sinh đói chữ người Cambodia này đứng tràn ra cả con hẻm kế cận, xa đến cả trăm mét, hí hoáy ghi chép dưới ánh mặt trời chói chang.
      Sự hiện diện của những người phụ nữ khác ở đây làm tôi cảm thấy thoải mái hơn, ít quan tâm đến điều chị Ra, anh Than, anh Vantha có thể nói với tôi nếu họ trông thấy tôi đứng lẫn trong đám đàn ông. Chúng tôi cùng bẻ cong luật lệ của nền văn hoá cũ. Một người phụ nữ ở giữa đám đàn ông là không thích hợp, những người lớn ở Cambodia thường nói thế, và một số bà con họ hàng của tôi cũng sẽ lập lại quan điểm đó. Nhưng tôi sẽ biện hộ cho mình và nói, tôi ở đây là để tự học. Nếu người ta quan tâm đến sự không thích hợp của hoàn cảnh này, thì người ta hãy cho tôi tiền để cho tôi được ngồi trong lớp học là đúng mực nhất.
      Sau nhiều tuần liên lạc bằng thư từ với chú Seng ở Portland, Oregon, gởi cho chú thông tin về ngày sinh, nơi sinh của chúng tôi, chúng tôi lại được báo tin là phải dời về một trại khác, trại Sakeo II. Những người sẽ đi là cô Eng và gia đình, anh Vantha, chị Ra, chị Ry, anh Than, Map, tôi và cả Savorng, người được đăng ký là em gái của chúng tôi. Tất cả, trừ chú Aat, người anh em họ của anh Vantha. Chú đến trại sau khi bảy tên của người trong gia đình chúng tôi gởi sang Mỹ cho chú Seng làm bảo lãnh. Dù vậy, anh Vantha vẫn muốn chú Aat đi Mỹ thay cho Savorng nhưng chị Ra không đồng ý. Chị Ra nói rằng chúng ta không thể để Savorng ở đây, nó chỉ là một đứa bé mới có sáu, bảy tuổi. Mặt khác, chị lý luận, chú Aat là một người lớn, chú có thể xoay sở được. Sau này, giống như nhiều gia đình khác, chú cũng có thể làm đơn xin đi Mỹ hay một quốc gia khác như Pháp, Canada hay Australia. Chú Aat có vẻ buồn, thất vọng, nhưng chắc chú ấy hiểu cho cái khó của chị Ra, buộc phải chọn giữa chú và Savorng, người mà chị và anh Vantha đã đón vào trong gia đình chúng tôi.
      Chú Aat đã tỏ ra rất tử tế với chúng tôi, chia xẻ thức ăn với chúng tôi và con cho tôi tiền để tiêu. Chú nói năng rất nhã nhặn với chúng tôi, không giống như anh Vantha, người cư xử hờ hững đôi với chúng tôi kể từ khi anh bắt đầu lui tới với đám người gọi là "bạn bảnh" của anh. Vantha đã thay đổi. Bây giờ anh nổi tính hay gây gỗ, đặc biệt đôi với anh Than, nhất là từ khi anh Than kiếm được tiền từ việc đưa người nhập lậu. Vantha thường tìm cách hạ giá anh Than hoặc gay gắt với anh không có lý do. Anh Than không thèm để ý, nhưng sau đó anh bảo Vantha hãy từ bỏ cách cư xử ấy đi và hành xử như một người lớn, như một người vừa là anh rể vừa lớn tuổi hơn phải làm.
      Có đêm anh Vantha về nhà và bảo chị Ra ngay trước mặt chúng tôi rằng bạn anh đã nói "bạn thì khó kiếm, nhưng vợ thì dễ ợt", và anh nói anh đồng ý.
      Anh trở thành tự mãn, kiêu hãnh về mình. Bây giờ chị Ra có bầu, anh tránh đi bên cạnh chị. Chị Ra biết thế, nhưng giữ kín ý nghĩ của riêng mình.
      Tối nọ Vantha chọc cho Savorng và Map đánh nhau để anh xem. Anh khiến chúng chộp lấy các thanh tre trên mái lều và bảo Savorng đá vào Map thật mạnh. Chị Ra có vẻ không ngăn anh được, và chúng tôi cũng không thể nói gì vì anh như một kẻ độc tài cai trị gia đình chúng tôi. Cuối cùng, Map và Savorng đều làm nhau đau và cả hai đều khóc. Thường thì Map là kẻ bị đau nhiều nhất do nó không thể quay người nhanh được vì bụng nhô ra, dấu tích còn lại của tình trạng thiếu dinh dưỡng từ thời Khmer Đỏ để lại. Savorng định kết thúc trận đấu bằng cách đá vào bụng Map. Chúng lại tiếp tục đánh nhau cho đến khi Vantha nghĩ rằng chúng đã đánh nhau đủ rồi. Trông chúng khóc và Vantha thì vênh váo, tôi thầm ước giá mà chị Ra lấy chú Lee. Hẳn chị sẽ ăn ở tốt với chú, vì chú kính trọng chị và gia đình tôi. Nhưng bây giờ thì đã quá muộn. Chị đã có bầu và sắp sanh rồi. Và chúng tôi thì sắp di chuyển đến trại Sakeo II, một nơi mà tôi hơi ngờ vực. Tôi nghe nói nơi này chứa nhiều cựu Khmer Đỏ. Thế mà giờ đây chúng tôi đang ở trên xe buýt đợi để được đưa đến đó.
      Nỗi sợ của tôi tăng nhanh khi chiếc xe buýt tăng tốc độ và hàng cây, quang cảnh hai bên đường vụt qua. Tôi bật khóc khi nỗi sợ của tôi đổi thành nỗi buồn. Cứ mỗi khắc qua đi, tôi lại bị mang xa hơn khỏi Cambodia. Tôi nhớ Pa và Mak, chị Chea…Tôi quay lui tìm chị Ra và Ry ngồi phía sau. Họ cũng khóc. Nhiều người khác cũng khóc, cặp mắt đỏ biểu lộ nỗi sợ hãi câm nín. Bỗng một bài hát tiếng Anh cất lên làm dịu đi nỗi buồn của chúng tôi. Một người Thái ngồi bên tài xế với tay đến máy phát thanh xách tay và bấm nút. Bài hát tiếp tục và chiếc xe buýt tràn ngập âm nhạc kích động.
      Ô là la em yêu anh nhiều hơn em có thể nói
      Em yêu anh hai lần nhiều hơn ngày mai…
      Mỉm cười qua làn nước mắt, tôi vui vẻ bảo cho chị Ra và chị Ry biết tôi hiểu được lời của bài hát này. Họ cười, có vẻ hãnh diện. Tôi quay trở lại, chùi nước mắt và thưởng thức bài hát.

      Chú thích:
      [1] Cuối năm 1979, trước sự phản đối gay gắt của quốc tê, chính phủ Thái đã cho phép Cao uỷ về người Tị Nạn Liên Hiệp quốc (UNHCR) mở những trung tâm tị nạn trong lãnh thổ Thái Lan. Khao I Dang được mở ra vào tháng 11 và trong hai tháng đã là một thành phố có 120.000 người. Khao I Dang bỗng chốc trở thành thành phố những Cambodia lớn nhật trên thế gíi. Timothy Carney – một viên ch c tại toà đại sứ Hoa kỳ ở Bangkok đã ghi chú như vậy (Ủy ban Hoa kỳ về người tị nạn, "Người tị nạn Cambodia tại Thái Lan: những giới hạn của một nơi ẩn núp")
      [2] Tiền Thái Lan, theo hối suất lúc đó, 150 baht vào khoảng 7.50 USD
      Đại ka Forum
      Vip Member

      Gender : Nữ

      Posts : 7493

      Points : 116345

      Liked : 7676

      : 18/04/1993

      #88

       28/7/2011, 11:08

      Trại Sakeo II
      Tháng bảy năm 1980, bây giờ chúng tôi đang ở trong một trại tị nạn mới. Trại Sakeo II nhỏ hơn trại Khao I Dang, nhưng sạch sẽ và đẹp hơn. Lều không có cửa, được cất thành một nhóm bốn lều, quay mặt vào nhau với một không gian rộng phía trước, được gọi là lều bốn (quad). Dọc theo con đường đất là hàng dãy các lều bốn như vậy, làm bằng gỗ ván dày màu xám, sàn cũng bằng gỗ. Cũng nằm trên con đường đi xuyên qua trại này là một toà nhà gỗ hai tầng rất rộng có tên là "Trung tâm Y tế công cộng" và ở phía bên kia là các lều bốn nơi người ta có thể gởi thư, đơn từ đến các lãnh sự quán Hoa Kỳ, Úc, Pháp, Canada để yêu cầu xin nhập cư.
      Là một gia đình bảy người, chúng tôi chia xẻ khu lều bốn với một gia đình khác. Cũng như ở Khao I Dang, chúng tôi nhận khẩu phần nước và thức ăn hàng ngày. Khẩu phần thức ăn ở đây khá hơn ở trại trước nhiều. Dù vậy, vẫn không đủ cho tất cả chúng tôi.
      Người tị nạn ở đây cũng không khác gì mấy so với những người tôi thấy ở Khao I Dang. Họ cũng mặc quần áo hoa với xà rông hay quần. TG không thấy ai mặc đồng phục đen giống như của Khmer Đỏ, vì thế tôi không có cảm giác sợ như trước lúc tới đây.
      Tôi đi dạo trên con đường chính dẫn đến chợ, lại gần doanh trại của lính Thái. Đột nhiên nghe một bài hát tiếng Thái phát ra từ loa phóng thanh. Trước mặt tôi,một số lính Thái đứng thẳng, súng hạ thấp, đáy súng chạm trên mặt đất. Một số người tị nạn Cambodia chú ý và dừng lại. Tôi cũng làm theo.
      Khi bài hát đang tiếp tục, một ông già lướt sát người tôi, vượt qua tôi, mắt nhìn xuống đất. Ông cứ tiếp tục đi dọc tới phía trước. Vừa khi đó bài hát chấm dứt, một trong mấy người lính lao tới phía ông già, đưa súng lên và nện vào lưng ông. Ông ngã úp mặt xuống đất, quằn quại. Khi ông loạng choạng đứng lên, người lính chửi thẳng vào mặt ông bằng tiếng Thái. Rồi sau đó người lính lôi ông ta vào đồn gác, khuất sau cánh cửa kim loại. Ông già bối rối, sợ hãi. Những người tị nạn Cambodia hoảng hồn, đứng chôn chân trên đường, bất lực.
      Về sau đồn lính này trở thành một ni người ta thường nghe thấy từ trong đó vang lên tiếng người kêu thét vì đau đ n. Một ngày nọ người ta nghe thấy tiếng một người đàn ông kêu gào vì thống khổ. Đột nhiên có một người đàn ông cao lớn có mái tóc màu nâu nhảy qua hàng rào vào và nhanh chóng bấm máy ảnh. Lính Thái liền ùa tới, lùa ông ta vào một góc. Họ giật máy ảnh, tháo cuộn phim ra, rồi ném trả máy ảnh vào giữa ngực ông ta. Người nhiếp ảnh viên đành bước lui ra trong khi bọn lính chửi rủa ông ta bằng tiếng Thái.
      Vài tuần sau, tôi chứng kiến một vụ tra tấn hành hạ người trong gia đình tôi. Có một người bạn chạy tìm chị Ry và tôi, bảo rằng anh Vantha đánh anh Than, sau đó anh Than xách rìu rượt anh Vantha.
      Chúng tôi chạy theo đường chính, dáo dác tìm anh Than. Nhưng trước mặt chúng tôi lại là anh Vantha, đang nhởn nhơ đi dạo. Gặp anh, chị Ry hỏi chuyện gì đã xảy ra, anh nói "Tao có đấm thằng Than mấy cái, thế là nó xách rìu rượt tao, thế là tao nói bạn tao bảo lính bắt nó. Bây giờ bọn lính đang nện nó. Đi tới giúp nó đi".
      Đến trại lính, chúng tôi nhòm qua cánh cửa sắt, và tự hỏi họ giam anh Than ở đâu. Chị Ry và tôi lay cửa, khóc lóc. Một người lính cho chúng tôi vào, và tôi thấy nằm trên mặt đất là anh Than. Mặt anh sưng vù, đầy máu và đất. Người anh lăn tròn khi bọn lính đá liên hồi vào anh và nện anh bằng báng súng.
      Chị Ry gào lên, và tôi kêu thét mỗi khi họ đánh vào anh Than. Chúng tôi ép bàn tay vào nhau, van lay xin họ ngừng, nhưng họ vẫn tiếp tục đánh, rồi họ đổ nước vào người anh, khi anh cất tiếng rên thì họ lại đánh.
      "Xin ngừng tra tấn anh trai tôi. Xin ngừng lại!" tôi gào le^nó, chạy lại gần bọn lính. "Anh ấy chỉ là một đứa bé thôi mà. Xin ngừng đánh anh tôi…."
      Tất cả mấy người lính khác đứng nhìn, trong đó có một người mặc thường phục. Họ vẫn tiếp tục nhìn khi chị Ry và tôi van xin họ tha. Nắm tay chị Ry đập xuống đất như thể sự đau đớn mà họ xuống người anh Than là quá lớn không thể chịu đựng nổi. Quay mình khỏi cảnh anh Than bị đánh đập, tôi khẩn nài người lính lớn tuổi nhất, đang ngồi trên ghế, để ông bảo ngừng cuộc đánh đấm này lại. Ông ta nhìn đi chỗ khác, nét mặt lạnh lùng. Rồi cuối cùng thì họ cũng thôi đánh và chúng tôi mang anh về nhà.
      Chị Ry, anh Than, Map và tôi dời qua lều cô Eng với chồng cô cùng hai đứa con gái. Chúng tôi ngủ trong lều, còn cô và gia đình ngủ ở phía trước. Savorng thì ở lại với chị Ra và Vantha. Chị Ra không nói gì nhiều về chuyện này. Có vẻ như anh Vantha đã một lần nữa thành công trong việc thuyết phục chị rằng chuyện đánh nhau đó không phải là lỗi của anh mà là lỗi của anh Than. Có lẽ chị quá theo chồng, hay chị đã chịu chấp nhận vai trò của một người vợ phục tùng chồng. Dù gì đi nữa, việc chị mất khả năng giải quyết một tình huống như vậy, cùng với sự ngỗ ngược của Vantha và thái độ thô lỗ của anh đôi với chúng tôi, đã khiến gia đình chúng tôi tách ra xa nhau. Chúng tôi hiếm khi gặp chị Ra và Savorng nữa.
      Đại ka Forum
      Vip Member

      Gender : Nữ

      Posts : 7493

      Points : 116345

      Liked : 7676

      : 18/04/1993

      #89

       28/7/2011, 11:08

      Có một vài lớp Anh văn tư được mở. Tôi theo học tất cả các lớp đó, nhưng rời lớp ngay sau khi giáo viên nhắc học sinh mang tiền theo để đóng học phí.
      Sau đó khó khăn của tôi được giải quyết. Có một trường công tên là Sras Sang được mở ra ngay trong trại. Trường nằm trong khoảng đất rộng, trống nơi vùng phụ cận của trại Sakeo II, gần rừng. Dựng trên cột với cầu thang và chỗ trống rộng, trường này có năm lớp học từ lớp sáu đến lớp chín. Tiếng Anh được dạy cùng với môn toán, ngữ văn Cambodia và thể dục.
      Đã sáu năm rồi kể từ khi tôi theo học một trường chính thức. Bây giờ ở tuổi 15, tôi đăng ký vào lớp bảy, cao hơn hai lớp so với lúc tôi còn ở Phnom Penh. Hôm nay, trong lớp, tôi nhẩm đếm số học viên, có lẽ chừng năm mươi người cả thảy. chúng tôi ngồi trên sàn vẫn còn thơm mùi gỗ mới. Con trai ngồi một phía, con gái một phía. Tôi ngồi với bọn con gái, gấp chân ngồi gần cửa vào lớp với tập, bút, bút chì ở trước mặt.
      Cũng như tôi, anh Than, bây giờ đã 17, đã phục hồi sau khi bị bọn lính đánh đập, cũng ghi tên vào lớp bảy, nhưng học khác lớp với tôi, giáo viên cũng khác. Còn chị Ry thì theo lớp tám – chín, nằm ở dưới nhà. Sau đó chị định theo học khóa giảng dạy – chị nói vậy. Mục tiêu của chị là trở thành giáo viên, dạy trẻ em tiếng Cambodia.

      Chị Ra đã sinh ra một bé gái ngày 30 tháng chín, 1980, sớm hơn một tuần. Một buổi chiều chị và Savorng mang đứa bé tên là Syla, đến lều chúng tôi. Khi chị Ry, anh Than và tôi đi học về, họ đang ngồi trước lều nơi chúng tôi nấu ăn. Cùng ngồi ở đó là Map, cô Eng và hai cô con gái của cô.
      Syla nhỏ, da sậm với mái tóc dày. Mắt nó nhắm nghiền, miệng mút chíp chíp, tay nắm lại thành nắm đấm. Savorng ru Syla, nó ngủ yên lành. Chúng tôi nhìn đứa bé, nói chuyện, hỏi han về nó, chứ không nói chuyện gì khác nhiều.

      Ngày đó người ta háo hức đi học giống như bị đói vậy. Mỗi đêm tôi đều mong mau sáng để được trở lại trường. Sau khi ở lớp về, tôi chăm chỉ học toán và Anh ngữ. Vừa về đến lều là tôi lo chuyện trường, xem lại chỗ ghi chép và những gì sẽ được dạy vào ngày hôm sau.
      Một ngày kia thầy giáo của tôi, mà tôi gọi là Lok Kruu (Lok nghĩa là ngài, còn Kruu nghĩa là "thầy"), trả lại tôi bài tập toán. Biết rằng mình làm bài này rất đúng, tôi hăm hở nhận lại bài tập. Nhận bài, tôi thấy có dâu đỏ chỉ số điểm là mười chín trên hai mươi. Tôi kiểm tra lại thấy mình trả lời đúng nhưng điểm ghi sai.
      Tôi trình bày với Lok Kruu, và thầy đã sửa lại điểm cho tôi. Tôi rất mừng, tôi vừa mỉm cười vừa quay lại chỗ ngồi. Tôi đưa bài tôi cho một bạn học ngồi sau lưng tôi xem. Con bé nói tôi thật giỏi khi làm mọi câu đều đúng cả. Nó có làm sai vài điểm. Nó hỏi tôi nó mượn bài tập. Tôi nghe có tiếng cười khúc khích sau lưng. Sida đưa trả lại tôi bài làm, rồi đi lên chỗ Lok Kruu với bài làm của nó trong tay. Nó quay trở về, có vẻ tự mãn, bảo tôi "Thy này, tao cũng được thêm điểm đấy. Hai mươi trên hai mươi đó".
      Giật mình, tôi không nói được tiếng nào. Làm sao mà nó có thể hãnh diện vì gian lận, chép lại câu trả lời của tôi để được thêm điểm! Nhưng rồi tôi còn khiếp hơn nữa. Hai đứa con gái ngồi sau tôi, cả vài đứa con trai nữa, cũng đi lên chỗ Lok Kruu sau khi Sida đưa bài của mình cho họ xem.
      Mặt của Lok Kruu đỏ bừng lên vì giận khi cả mấy đứa đều kéo lên chỗ thầy khiếu nại vì điểm chấm sai. Thầy bảo chúng trở về chỗ ngồi, rồi ông lao ra khỏi phòng. Khi ông trở lại lớp, ông không nói gì, ngồi vào bàn giấy, dằn cơn giận lại.
      Tiếng bước chân rầm rầm nơi hành lang. Rồi ông hiệu trưởng, chừng khoảng ngoài bốn mươi, xuất hiện. Tôi muốn đứng dậy và nói cho ông rõ chuyện xảy ra. Tôi muốn chỉ Sida và những người đã "cóp" các câu trả lời trong bài của tôi.
      Vừa bước vào lớp học, ông hiệu trưởng hỏi ngay "Ai khởi xướng cái trò gian lận này? Ai làm đầu tiên?" Ông chống nạnh vào hông.
      Tôi đứng dậy giải thích "Em".
      "Em?" ông hiệu trưởng phủ đầu tôi, ngón tay chỉ liên tiếp vào mặt tôi "Tại sao em khởi xướng việc gian lận? Em là loại học sinh nào vậy, lại là con gái nữa? Đồ…"
      Choáng váng, tôi nhìn vào ông ta, đứng chôn chân trên sàn nhà. Mặt tôi đỏ bừng.
      Từ khi còn là một đứa con gái nhỏ, tôi đã được dạy bảo phải kính trọng người lớn, nhưng giờ đây làm sao tôi kính trọng người đàn ông này được? Tôi từng bị Khmer Đỏ áp bức, tước đoạt tự do của tôi, nhưng không ai có quyền đối xử với tôi theo kiểu này! Tôi nhìn lại ông ta trong khi ông tiếp tục nổi đoá.
      Đại ka Forum
      Vip Member

      Gender : Nữ

      Posts : 7493

      Points : 116345

      Liked : 7676

      : 18/04/1993

      #90

       28/7/2011, 11:09

      Tôi chống tay vào hông, giống hệt như cách ông đứng, tôi bảo ông "Nếu thầy không biết sự thật, thì đừng vội buộc tội tôi xúi giục gian lận. Nếu ông ngu ngốc, đừng làm như ông đã biết hết mọi chuyện". Lời nói tuôn ra khỏi miệng tôi, những lời mà tôi không thể nào tưởng tượng mình dùng khi nói với một người lớn. Tay tôi giơ lnó, ngón trỏ của tôi cũng chỉ ngược lại phía ông "Ông là người lớn thì hãy xử sự cho ra người lớn. Nếu không, không ai kính trọng ông, dù ông có là hiệu trưởng đi nữa".
      Ông ta rủa lên một tiếng, chỉ tôi và gọi tôi là đứa con gái mất dậy. Cố trấn tĩnh, tôi bảo ông xử sự cho đàng hoàng và lắng nghe ông nói như một người lớn bảo ban một đứa trẻ động kinh cố tỉnh táo lại. Lok Kruu chạy đến bên ông hiệu trưởng, nói một cách vững chắc "Học sinh này không hề xúi giục việc gian lận".
      Ông hiệu trưởng giật mình lùi lại, mắt ông tìm mắt Lok Kruu, như thể ông ta cố gắng hiểu điều Lok Kruu vừa nói với mình. Đột nhiên tôi cảm thấy như mình ở trong một hành lang của sự yên lặng. Ông hiệu trưởng đi ra cũng vội vàng như khi ông vào.

      Trên bức tường của nhà bưu điện, tôi đọc tin tức và thông báo về những gia đình bị mất tích. Có thể một số bà con đã thất lạc từ lâu đang tìm kiếm chúng tôi. Sau đó tôi dò danh sách tên của những người có thư từ thân nhân. Tôi thấy ngay tên của tôi trong đó.
      Tôi bèn mở ra, thư viết "Gởi cháu Thy, ông đã tới Khao I Dang và đang ở với cha của bạn cháu là Sonith tại chùa. Các cô của cháu, Chin và Leng cùng gia đình của họ vẫn còn ở Phnom Penh. Sau này họ cũng sẽ đến Khao I Dang…Còn về phía bên gia đình của mẹ cháu, thì các dì và cậu cháu cùng gia đình của họ cũng hiện đang sống tại Phnom Penh…"
      Tôi không thể tin rằng ông lại tìm ra tôi sau bao nhiêu thời gian kể từ khi ông, cô Chin, cô Leng cùng với gia đình rời chúng tôi ở làng trước khi đến Kerkpongro. Cách đây cả năm rồi. Bây giờ chúng tôi lại tái hợp qua một lá thư.
      Vài tuần sau, tôi lại nhận được một lá thư từ Khao I Dang. Kèm theo thư là một bức ảnh cô Chin và con cô, cô Leng chụp với người chồng thứ hai, cũng có cả người anh họ Navy, đó là người sống sót duy nhất trong gia đình bảy người của cô. Mọi người trên được mang đến Khao I Dang an toàn. Tôi cảm tạ trời đất. Chỉ vài năm sau chúng tôi có thể cùng nhau cười về những nỗi nguy hiểm trong cuộc hành trình của họ. Vì biết rằng đến Khao I Dang nguy hiểm như thế nào, họ bèn giấu nữ trang gồm vàng và ngọc vào hậu môn. Nhưng rồi khi kiệt sức vì cuộc hành trình dài và nhọc mệt, không ai còn nhớ gì về kho báu của mình nữa. Chồng cô Leng, trên đường đến New Camp, phải đi đại tiện sau một bụi cây, và đó chính là nơi ông để lại mấy viên ngọc giấu kín! Chuyện tương tự như vậy cũng xảy ra với người con gái của cô Chin.
      Những câu chuyện khác thì hoàn toàn không vui. Những vụ giết người man rợ ở Year Piar cuối cùng đã đi giáp vòng. Những thân nhân còn sống sót của những người bị Khmer Đỏ hành hình liền trở lại phục thù sau khi được giải phóng. Trên cánh đồng ấy, họ bắt giữ những người trước đây có dính dáng vào việc hành quyết gia đình họ. Tại đây, bằng dao, họ hành quyết những người kia, chặt ra từng khúc.
      Như vậy, những năm tháng hung bạo đã được đáp lại theo cùng một cánh tay, tuy nhiên, tôi chẳng thoả mãn chút nào khi biết những điều này. Tôi rất buồn khi thấy rằng những người còn lại đã sống sót trong chế độ Khmer Đỏ nay cũng giảm xuống ngang cấp độ của Khmer Đỏ. Việc báo thù rửa hận như vậy chẳng thay đổi được gì, tôi nghĩ. VÀ tôi mừng rằng mình đã không phải chứng kiến việc trả thù đó.
      Nghĩ mình gặp điều không may ở trường Sras Srang kể từ khi xảy ra vụ với ông hiệu trưởng, tôi quyết định thôi học ở đây. Bây giờ tôi đã có kinh nghiệm mới về việc hoạch định tương lai. Chị Ry và tôi đăng ký theo học một chương trình huấn luyện giáo viên thể dục. Có một đỉêm tiện lợi là tôi vừa có thể học tiếng Anh, và như chị Ry gợi ý, tôi sẽ sang Mỹ và sẽ có cơ hội để học nhiều thứ. Theo học chương trình này, chúng tôi sẽ được lãnh lương tháng là 150 baht. Chúng tôi được huấn luyện làm giáo viên, và được trả lương.
      Chị Ry bảo tôi phải nói với người chiêu sinh rằng tôi 19 tuổi, vì phải ít nhất 18 tuổi mới được đăng ký. Chị bảo họ sẽ tin vì tôi cao hơn nhiều cô gái Cambodia tuổi 18. Tại Cục Giáo dục Thể chất và giải trí, một số đàn bà con gái, chừng tuổi hai mươi, đã đến ghi danh để làm huấn luyện viên thể dục. Ngồi trên cái bàn giống như ghế dài, chúng tôi đọc về luật lệ của môn bóng chuyền, được miêu tả trong bốn trang giấy phát cho học viên. Sau khi đọc nghiên cứu trong hai buổi sáng, chúng tôi bắt đầu thực sự huấn luyện bóng chuyền, và người phụ trách Cục báo là chúng tôi sẽ nhận được đồng phục, điều này khiến chúng tôi cười tươi như hoa. Chúng tôi nôn nóng đợi được phát áo.
      Đại ka Forum
      Vip Member

      Gender : Nữ

      Posts : 7493

      Points : 116345

      Liked : 7676

      : 18/04/1993

      #91

       28/7/2011, 11:09

      Nhưng môn này lúc đầu khó khủng khiếp. Càng tập, chúng tôi mới càng khá hơn. Tôi rất yêu môn bóng chuyền và trở thành một trong những tay chơi giỏi nhất. Các trận đấu tập của bóng chuyền nữ này không những chỉ thu hút người tị nạn Cambodia mà còn cả người ngoại quốc và một số lính Thái mang súng đến xem nữa. Có lần sau một trận đấu, Rey – một trong những cầu thủ không chơi ván cuối này – đã bấm tôi, nói rằng cô chú ý thấy bọn lính Thái chăm chú nhìn tôi, nói thầm với nhau ra vẻ thích tôi lắm. Tôi quay lại nhìn họ, họ vẫn đứng đó, gần sân bóng chuyền và nhìn về phía chúng tôi. Một cơn sợ hãi phủ lên người tôi. Tôi bồn chồn, lo âu, nhớ lại những câu chuyện phụ nữ Cambodia tị nạn bị cưỡng hiếp ở Thái Lan.
      Hai trong ba người lính lại đến sân bóng chuyền. Một trong mấy cô gái nói họ có vẻ "mết" tôi lắm, nhưng tôi không sợ bởi có đám đông chung quanh, và tôi thường ra về một lần với mọi người khi tập xong.
      Một chiều thứ ba, khi tôi một mình đi qua bưu điện về lều, tôi nghe thấy bước chân vội theo đàng sau. Một tiếng nói đột ngột cất lên "Sawatdee khup (xin chào)".
      Tôi quay lại, giật mình. Cái nhìn của người lính gặp tôi. Anh ta đúng là một trong số những người lính chăm chú nhìn tôi ở các buổi tập! Anh ta mang súng trên vai. Nhận ra người này, tôi ba chân bốn cẳng ù té chạy về lều.
      Khi về đến lều, bên trong không có ai ngoại trừ Om Soy. Tôi bình tĩnh kể cho bà nghe chuyện xảy ra. Om Soy nhắc tôi phải cẩn thận.
      Đã được hai tháng kể từ khi tôi tham gia lớp bóng chuyền. Tôi đã tìm được ý nghĩa mới của cuộc sống trong trại tị nạn, nơi tôi vẫn có thể tự làm cho mình vui mặc dù tôi phải gắn chặt vào trại này, bị ngăn chặn về mặt thể chất với thế giới bên ngoài. Ở sân bóng chuyền, tôi thấy tự do, sung mãn. Có tự do, tôi thấy phơi phới, thích tranh đua và vui nhộn. Đời sống đã dần dần trở lại bình thường, và bây giờ lại có điều này – sợ hãi những người lính!
      Một chiều muộn khác, khi tôi đang nói chuyện với Om Soy lúc bà đang nâu ăn ngoài sân, đột nhiên mắt bà lộ vẻ chú ý khi bà nhìn phía sau lưng tôi. Bối rối tôi quay lại và thấy người lính bấy lâu nay đi theo tôi – hiện giờ anh ta đứng ngay bên phải tôi. Mắt anh ta nhìn thẳng vào mắt tôi. Tim đập mạnh, tôi nhảy vọt vào trong lều sợ hãi, trong khi Om Soy nói chuyện với anh ta bằng tiếng Thái.
      "Athy ơi, Athy ơi," giọng khàn khàn của Om Soy gọi. "Ra đây đi, ra nào. Anh ta đi rồi".
      sau đó Om Soy giải thích "Người lính đó muốn lấy cháu. Anh ta đã yêu cháu ngay từ lần đầu tiên trông thấy cháu. Nhưng cô bảo anh ta rằng cháu đã có chồng chưa cưới ở bên Mỹ đang đợi cháu sang để làm đám cưới. Nào cháu đã có ai đâu, cô chỉ phịa ra thế để anh ta để yên cho cháu. Trông có vẻ buồn, anh ta chào cô rồi đi".
      Mới tuổi 15, tôi ở trong tâm trạng không nghĩ tới, thậm chí khước từ cái chuyện lấy chồng, nhất là với một người lính Thái kể từ khi tôi chứng kiến sự hung bạo của họ đối với người tị nạn, trong đó có anh Than. Nhưng trong thâm sâu, tôi thấy tội cho anh ta vì đã yêu tôi. Tôi chẳng những không thể đáp trả lại lòng anh ta mà còn cảm thấy sợ hãi nữa. Tôi lo lắng vô cùng.
      Sau đó tôi viết một lá thư cho chú Seng và Om Soy bảo tôi giục chú cố đưa gia đình tôi ra khỏi trại này sớm chừng nào hay chừng đó. Có vẻ như bà đọc được ý nghĩ của tôi.
      Tôi xé một tờ giấy trong cuốn tập và bắt đầu viết:
      "Kính thưa chú,
      Các anh, chị cháu và cháu đã ở trong trại tị nạn một thời gian dài. Hiện tụi cháu đang ở trại Sakeo II một thời gian rồi. Trước đây cháu cứ tưởng sống trong trại tị nạn này an toàn hơn sống dưới chế độ Pol Pot, nhưng sự thật là ở đây cũng không được an toàn. Cháu đã nghe kể về việc lính Thái cưỡng hiếp các cô gái Cambodia đi kiếm củi trong rừng. Còn bây giờ cháu cũng gặp vài vấn đề rắc rối. Một người línhThái đã đeo đuổi cháu. Ngày hôm nay anh ta đến tận lều của cháu. Cháu sợ lắm, chú ơi. Xin chú bảo lãnh cho tụi cháu đi khỏi đây sớm. Tụi cháu chẳng còn cha mẹ, xin chú giúp tụi cháu. Tụi cháu chỉ có thể nhờ cậy vào chú vì chú bây giờ là người duy nhất mà tụi cháu có thể xin giúp đỡ. Xin chú hãy đưa tụi cháu ra khỏi Thái Lan ngay.
      Đại ka Forum
      Vip Member

      Gender : Nữ

      Posts : 7493

      Points : 116345

      Liked : 7676

      : 18/04/1993

      #92

       28/7/2011, 11:09

      Cháu của chú
      Chanrithy Him"
      Vào chiều ngày 27 tháng Giêng 1981, tất cả các học viên tại Cục Giáo dục thể thao và Giải trí tụ tập để làm lễ tốt nghiệp cho chúng tôi trước chừng hai trăm khách đến dự. Nơi chỗ trống của Cục, dưới mái che, bàn ghế đã được sắp đặt ngay ngắn. Ở góc xa bên kia văn phòng chính, có một sân khấu nhỏ để đầy trống, đàn ghi ta, micro…
      Nhưng cái thật hấp dẫn là các cô gái đều trong rất đẹp. Chị Ry mặc chiếc áo dài tay trắng với chiếc váy màu lục đậm. Bạn tôi, Arom, cũng mặc chiếc áo tay dài màu lục nhạt trên chiếc váy xanh sậm. Chị của nó là Anny mặc chiếc áo màu vàng rất đẹp có nơ phủ phía trước. Còn tôi mặc một chiếc áo nhung ngắn tay có màu đỏ sáng với chiếc váy có bốn hàng màu kế tiếp nhau – xanh tươi, lục nhạt, cam nhạt và đỏ tươi.
      Một bữa ăn đặc biệt được dọn ra và bàn ghế được sắp xếp lại để chừa chỗ khiêu vũ. Ban nhạc chơi một bản nhạc tôi đã nghe lâu rồi từ hồi còn ở Phnom Penh. Tôi thấy ấm lòng nhưng bản nhạc cũng làm tôi thấy nhớ nhà da diết. Nhưng cảm xúc của tôi thay đổi liền. Tôi xúc động thấy nhiều người đứng dậy nhảy một điệu dân gian Cambodia. Đàn ông vỗ tay và đặt tay dưới cằm – họ mời phụ nữ khiêu vũ. Tôi đã trải qua một buổi tối tuyệt vời, một cuộc vui lớn nhất tôi có kể từ khi sống dưới chế độ Khmer Đỏ.
      Vài ngày sau khi tốt nghiệp, tôi chiêu mộ trẻ em lại và dạy chúng chơi bóng chuyền. Các cậu và các cô nhỏ rất thích chơi môn bóng này. Chúng cười vang, cười rúc rích, rất sung sướng. Chơi với chúng thấy mình hăng hái hơn. Nhưng tôi nghe sẽ có buổi khai mạc Trung Tâm Y tế công cộng. Từ khi ở Khao I Dang, tôi đã hy vọng được làm thông dịch y tế. Có một người bạn bảo tôi rằng trung tâm đang tìm người tình nguyện để giúp giáo dục những người tị nạn hiểu về bệnh lao và các biện pháp phòng ngừa. Nó nói, nếu tôi thích, chỉ cần có mặt lúc tám giờ sáng ở trước cửa trung tâm. Tôi liền bảo rằng tôi sẽ tới đó.
      Sáng đó một chiếc xe đón những người ở trung tâm lên, rồi thả nhiều nhóm khác nhau ở các nhánh khác nhau của trại. Đi từ lều này sang lều khác, tôi làm việc cùng hai người đàn ông Cambodia và Janice – một y tá người Mỹ tình nguyện. Trách nhiệm chính của tôi là nói cho những gia đình biết về triệu chứng của TB (bệnh lao) và các biện pháp phòng ngừa. Khi Janice tiêm chủng TB cho các em bé, tôi vuốt má chúng, hy vọng làm chúng quên đi mũi kim đang chích vào da.
      Công việc này rất quan trọng đối với tôi. Nhưng nó không kéo lâu vì gia đình chúng tôi phải chuyển đến trại Mairut. Một phần của thủ tục nhập cư vào Mỹ bao gồm việc đi qua các trại quá cảnh. Gia đình của cô Eng đã được chuyển đến một trại khác. Chưa chi tôi đã bắt đầu thấy nhớ các bạn của mình ở đây.

      Chiếc xe buýt chở chúng tôi dừng lại sau một chiếc xe buýt khác giữa một vùng quang cảnh xanh ngắt nơi những cây cỏ cao kều và những cây dừa đứng bệ vệ, lắc lư theo ngọn gió nhẹ. Thế ra đây là Mairut, tôi nghĩ, thật đẹp. Không khí có mùi khang khác. Tươi mát, như chúng tôi đang ở một vùng gần nước. Chúng tôi được đưa tới một trại có lều rộng gần gấp hai lần rưỡi các lều ở Sakeo II. Chúng giống như lều ở Sakeo II, lều ở đây được dựng quay mặt vào nhau theo từng nhóm bốn lều. Trước lều là một khoảng không gian rộng trồng hoa theo hình vuông nhỏ. Chỗ chúng tôi được cấp là một gian giữa, rộng, có cả bóng đèn huỳnh quang dài. Điện! Chỗ ở đây thật tốt!
      Thật khó khăn khi phải sống lại cùng với chị Ra, anh Vantha, Savorng và bé Syla. Chúng tôi không hề nói chuyện với anh Vantha kể từ khi bọn lính Thái đánh đập anh Than. Bây giờ lại phải cùng chia xẻ một không gian sống, thật bất tiện khi chỉ nói chuyện với chị Ra, Savorng hay chơi với bé Syla. Khi có mặt anh Vantha, mỗi người chúng tôi, chị Ry, anh Than, tôi, cứ làm như người kia không hề hiện diện.
      Trên vùng ngoại vi của trại Mairut, chị Ry và tôi cùng đi thám hiểm với Arom và Anny, hai người này cũng được chuyển đến đây. Khi chúng tôi gặp một tháp canh, tôi bèn leo lên đó. Từ chỗ này, nhìn qua các cành cây, tôi thấy cả một vùng nước xanh biếc với những đợt sóng gợn lăn tăn ở phía xa. Lên đến đỉnh tháp, tôi thấy có vài người đang nhìn ra xa. Tôi vội nhìn theo hướng họ nhìn. Tôi không tin vào mắt mình nữa. Một đại dương! Đây là vịnh Thái Lan. Cả một vùng nước xanh mênh mông, dọc theo đó là hàng dừa. Tôi gọi lớn để chị Ry, Arom và Anny cùng leo lên. Đây là lần đầu tiên tôi thấy đại dương. Tôi tạ ơn Trời là mình còn sống sót.
      Sau đó chúng tôi ra biển. Bãi biển đầy người. Có người nằm dưới bóng dừa, những người khác, như anh Than và tôi, lội xuống biển và chơi té nước vào người nhau.
      Đại ka Forum
      Vip Member

      Gender : Nữ

      Posts : 7493

      Points : 116345

      Liked : 7676

      : 18/04/1993

      #93

       28/7/2011, 11:09

      Nhiều người, có lẽ đến cả trăm, tụ tập tại các văn phòng thuê người tị nạn để làm các công việc có trả lương khác nhau, như là thông dịch viên hoặc giáo viên. Hai ngày đầu tôi không gặp may. Ít nhất thì tôi cũng tìm được một trường công mở các lớp dạy Anh ngữ. Lớp học d.ng bằng cột tre, mái rơm. Trong lớp có bảy chiếc bàn trông như ghế dài, một dãy bên trái, một dãy bên phải. Con gái ngồi bên trái, bọn con trai chọn phía bên tay phải gần bàn thầy giáo tiếng Anh, cũng là một người tị nạn. Chúng tôi học ngữ pháp và tập đối thoại.
      Nhưng đến tháng Năm, 1981, gia đình chúng tôi lại được chuyển đến một trại khác sau khi ở Mairut được hai tháng. Đây là một đoạn đường dài từ Mairut đến Pananikom Holding Center. Cổng trại mở ra khi xe của chúng tôi đến gần. Trời nóng và ẩm. Map và Savorng khát nước, chúng nhăn nhó. Còn bé Syla thì khóc nhặng xị cả lên.
      Với bảy gia đình khác, chúng tôi được dẫn qua những dãy lều như ở Sakeo II. Chúng tôi bước qua chiếc cổng thép gai bao quanh khu lều trống. Đất ở chính giữa bị xói mòn và đầy bùn. Đây là nơi để chuyển bớt số dân tị nạn. Người ta cho chúng tôi biết không còn chỗ nào khác cho chúng tôi ngoài những căn lều này, nơi trước đây lính Thái dùng để nhốt người tị nạn Việt Nam.
      Chúng tôi ở đây hai tuần trước khi được chuyển đến một trại khác gọi là Lompini. Mọi người đều đã đi ra cái chợ dã chiến. Chị Ry và anh Than cũng dẫn Map và Savorng đi chợ và giục tôi cùng đi. Nhưng tôi không muốn đi.
      Để giữ cho mình có việc làm, tôi ngồi học ôn tiếng Anh, tôi xem lại các cuốn tập, ôn lại ngữ pháp. Cho đến khi mệt vì phải nhớ các thì khác nhau, tôi bèn đọc cuốn Essential English Book I, trí óc tôi nhất thời chìm vào các cuộc đối thoại của các nhân vật trong sách.
      Ở đây tôi được an toàn, nhưng sự buồn chán đè nặng lên tôi. Tuần lễ đầu tiên, khi mọi người ra chợ chơi, tôi cảm thấy mình lẻ loi, và có cảm tưởng như mình là một tên tù. Đến tuần thứ hai, chị Ry và anh Than mang về cho tôi mấy cuộn băng bài hát Cambodia mà chúng tôi thường nghe thời còn ở Phnom Penh.
      Ngày nào tôi cũng nghe những bài hát này. Những bài ca trữ tình được hát bởi các siêu sao mới đây là Sinsee Samuth và Ros Sarey Sothea vang khắp lều trại. Tôi nhớ mình rất thích ngắm các vũ công cổ điển Cambodia trình diễn ở Phnom Penh lúc Pa dẫn chúng tôi đi xem, và tôi rất muốn học những vũ điệu này. Tôi nhớ lại niềm say mê của Pa đối với vũ điệu cổ điển.
      Vì Pa, một ngày kia tôi sẽ trình diễn những vũ điệu ấy. TG sẽ múa thật đep trong tiếng chuông trống xập xình. Giống như người vũ công tôi xem ở Phnom Penh, tôi sẽ nhẹ nhàng bước tới một bước, ngón tay cong cong quét qua không khí khi tôi bước lại gần khán giả. Khi tôi múa xong, người ta sẽ vỗ tay ầm vang, và tôi sẽ hãnh diện vì tôi đã biểu diễn tốt đẹp – vì Pa.
      Chúng tôi lại chuyển tiếp đến một trại khác vào ngày 8 tháng Sáu năm 1981. Một viên chức người Thái dẫn chúng tôi qua một con hẻm tráng xi măng, qua các dãy nhà và dây phơi áo quần. Chúng tôi sẽ ở trong một nơi giống nhà để xe, nền và tường nhà mốc meo. Một cơn gió mát thoảng qua, mang lại mùi nước tiểu gay gắt, như thể quanh chúng tôi toàn là nhà vệ sinh.
      Nằm dài trên miếng vải nhựa trải trên nền xi măng, tôi đợi chị Ry và anh Than mang phần thức ăn về. Khi họ trở lại, họ giải thích rằng những người Thái phân phối thức ăn phải kiểm tra hình của chúng tôi chụp theo nhóm, được nhân viên di trú ở trại Sakeo II thực hiện, đối chiếu với tài liệu của họ. Sau đó họ còn nhìn vào mặt chị Ry và anh Than để xác định cho chắc chắn. Ai đến mà không mang theo hình chụp đều bị từ chối phân phát thức ăn.
      Map, tôi và Savorng ngồi quanh một chiếc nồi nhỏ đựng canh, và một tô cơm. Anh Than xới cơm vào đĩa, chị Ry thì múc canh vào chén. Bỗng chị Ry buông cái nồi canh xuống và la lên "Có sâu trong nồi canh đó!" , chị lùi lại. Anh Than bước nhanh tới, múc sâu trong nồi canh vứt đi. Tôi biết chúng tôi còn ăn uống tệ hơn thế nữa trước đây, nhưng đó là dưới thời Khmer Đỏ.
      May mắn thay, sau khi ở đây một tuần, chúng tôi trải qua kỳ khám sức khoẻ, chúng tôi được phép rời khỏi Thái Lan, đi đến một trại chuyển tiếp khác ở Philippines.
      Đại ka Forum
      Vip Member

      Gender : Nữ

      Posts : 7493

      Points : 116345

      Liked : 7676

      : 18/04/1993

      #94

       28/7/2011, 11:10

      Trung Tâm Người Tị Nạn Ở Philippines
      Đêm 20 tháng Sáu năm 1981, chúng tôi đến sân bay Philippines. Chuyến đi từ Thái Lan đến đây tưởng dài như vô tận. bây giờ thì cái ý tưởng được nằm dài trên giường là một điều xa xỉ, chúng tôi cần đáp xe buýt về trại.
      Sáng hôm sau khi tôi mở mắt, ánh nắng chiếu vào phòng nơi chị Ry, anh Than, Map và tôi đang nằm ngủ. Tôi ngồi dậy. Chị Ra, anh Vantha, Sytha và Savorng đâu rồi? Mất một lúc sau tôi mới nhớ họ ngủ ở dưới lầu.
      Tôi ngồi dậy rồi rón rén đi xuống thang lầu cố không làm ai thức giấc. Tôi chạy dọc theo con đường trải nhựa và nhìn xung quanh. Tôi ngắm nhìn những toà nhà gỗ hai tầng bên tay trái và tay phải. Đó là những khôi nhà rộng dài, chia thành những gian riêng biệt. Có vẻ mỗi gia đình được chia cho một gian, như gia đình chúng tôi, được gian trên lầu và dưới lầu. Ngắm các toà nhà xong, tôi nhìn sang bên phải và nơi kia, ở đàng xa, một ngọn đồi uy nghi với cây cỏ mọc xanh ngắt và một cây thánh giá khổng lồ màu trắng. Mọi thứ đều mê hoặc tôi. Các toà nhà, ngọn đồi xanh ngắt. Những con đường nhựa uốn lượn quanh các khu nhà. Cảnh đẹp của cỏ, cây, bụi hoa ven đường, dọc theo các lối đi rải đá. Tôi mê cái khoảng sân rộng mát trước mỗi toà nhà. Tôi bàng hoàng đón lấy cái đẹp của toàn trại, lòng vô cùng biết ơn.
      Chị Ry và tôi đang rửa bát đĩa sau nhà thì đột nhiên một giọng nói ngọt ngào, dịu dàng cắt ngang cuộc đối thoại giữa chúng tôi "Chào các bạn, các bạn khoẻ chứ?" giọng nói có một trọng âm rõ rệt.
      Chúng tôi quay người, thấy một phụ nữ người Phi nhỏ nhắn, da sậm, đứng sau lưng mỉm cười "Các bạn có muốn mua gạo hay mua rau gì không?" Bà đưa cho chúng tôi xem một cái rổ đựng chanh và các thứ rau tươi. Tôi nhìn qua rổ rau, rồi nhìn vào cặp mắt màu nâu sáng và thân thiện của bà. Giọng nói và tinh thần cởi mở của bà làm cho tôi ngạc nhiên. Chúng tôi chưa hề gặp nhau, vậy mà bà đã gọi chúng tôi là "các bạn"! Lời nói và thái độ của bà tỏ ra rất nồng nhiệt. Tôi nhớ lại các trại tị nạn ở Thái Lan nơi chúng tôi đã từng ở và bị đối xử như thế nào. Tôi thấy thích thú trước người phụ nữ Phi này. Bà làm cho tôi có cảm tưởng như mình đang ở nhà.
      Sau khi chúng tôi đến, người ta bảo chúng tôi rằng những người tuổi từ 16 đến 55 phải học tiếng Anh như là một sinh ngữ thứ hai (ESL) và học Định hướng văn hoá (CO) trong ba tháng trước khi rời khỏi nơi đây để đi Mỹ. Trong lớp học ESL tập trung, chúng tôi sẽ học về quần áo, nhà cửa, việc làm, bưu điện và vận chuyển. Còn ở lớp CO, chúng tôi sẽ học các chủ đề tổng quát như bảo trợ, truyền thông, lối sống và vệ sinh. Dù tôi trông mong được học các chủ đề này, tôi cũng thấy học về chừng đó chủ đề trong một thời gian ngắn như vậy thật quá sức. Nhưng dù sao học ở đây miễn phí, và tôi cần được nắm vững trước khi vào Mỹ. Vì thế tôi rất mong được theo các lớp học này.
      Trong lớp ESL, chúng tôi có cả học sinh Cambodia lẫn học sinh Việt Nam. Giáo viên của chúng tôi là một bà người Phi. Khi bước vào lớp, bà liếc nhìn chúng tôi và hơi nhíu mày. Tôi tự hỏi không biết bà ta có hẹp hòi như một số giáo viên của tôi thời tôi còn học ở Phnom Penh không. Những người này hay kéo tóc mai của bọn con trai và dùng thanh tre đập lên lòng bàn tay chúng tôi. Bà giáo đặt chiếc xắc tay xuống bàn và nhìn cả lớp. Đôi môi đỏ chói của bà nở ra thành một nụ cười. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm. Bây giờ tôi sẵn sàng học bất cứ thứ gì để chuẩn bị cho tôi đi vào nước Mỹ.
      Bài học đầu tiên của chúng tôi là chào hỏi bằng tiếng Anh như thế nào, cách bắt tay như thế nào. Khi đến giờ thực hành, bà giáo yêu cầu cô gái ngồi bên cạnh tôi đứng dậy. Cô phải bắt tay với một người con trai Cambodia trong lớp. Cô gái lắc đầu, mặt đỏ bừng. Bà giáo hỏi một cô gái khác và cô này cũng lắc đầu. Bà bối rối đành phải gọi cánh con trai bắt tay với nhau.
      Đại ka Forum
      Vip Member

      Gender : Nữ

      Posts : 7493

      Points : 116345

      Liked : 7676

      : 18/04/1993

      #95

       28/7/2011, 11:10

      Bà gọi một anh người Cambodia và một anh người Việt Nam lên đứng trước lớp. Họ tự giới thiệu và bắt tay nhau. Bà quay ra nói với cả lớp "Các bạn thấy đó, lên đây và bắt tay nhau có gì khó khăn đâu. Xem tôi đây này. Tên tôi là Marie, bạn có khoẻ không?" Bà bắt tay với một học sinh người Việt Nam. "Đấy, tôi bắt tay với cậu ấy mà tôi có sợ bị mang thai gì đâu. Đừng lo, bạn không có con vì bắt tay đâu. Nào, tiếp tục thực hành đi".
      Tôi thấy bực mình vì lời bình luận của bà. Đáng ra bà phải được biết về nền văn hóa của chúng tôi, và biết rằng cách chào hỏi của chúng tôi là ép lòng bàn tay vào với nhau và đưa lên ngang cằm.Ngay tôi đây, người gan dạ trong bất cứ tình huống nào, cũng thấy bối rối trước chuyện bắt tay. Chúng tôi cần có thời gian để thích nghi với lối sống mới.
      Khi bà Marie thúc giục đám con gái chúng tôi tình nguyện, tôi bắt đầu lấy lại can đảm.
      Bà gọi một nam học sinh Việt Nam tên là Minh lên đứng trước lớp. Vừa bà vừa nói: "Ai muốn lên đây bắt tay với Minh nào? Cậu ấy đẹp trai đấy chứ". Cả lớp cười ồ. Cả Minh cũng cười, mắt anh ta nheo lại nhìn về phía đám con gái.
      Tôi đứng lên, bà giáo mỉm cười dỗ nhẹ "Nào lên đây, Chanrithy. Bạn làm được mà. Giới thiệu tên bạn rồi bắt tay".
      Không có vấn đề gì, tôi nghĩ, mỉm cười rồi bước đến chỗ Minh đang đứng và nói "Tên mình là Chanrithy, bạn có khoẻ không?"
      Phía dưới bọn con gái khúc khích khiến Minh cũng mỉm cười.
      "Chào bạn, tên mình là Minh", anh nói, đưa mắt nhìn bọn con gái "Bạn có khoẻ không?" Anh lại nhìn bọn họ.
      Tôi đưa tay ra bắt, anh bước đến định nắm tay tôi nhưng tay anh vừa gần chạm vào tay tôi, tôi rụt lại. Tôi vội quay về chỗ ngồi. Tếng cười vang lên khắp lớp.
      Tôi cười nhìn bà giáo, bà đang lấy tay che mặt và cười rung cả người. Cánh con trai phía bên phải tôi cười ha hả. Mặt Minh đỏ như một con gà mái đang cố rặn trứng. Một học sinh nam người Cambodia nói nhỏ gì đó phía sau lưng anh, và anh mỉm cười bẽn lẽn.
      Bà giáo hỏi tôi, giọng thiện cảm "Chanrithy, tại sao không bắt tay Minh?"
      Tôi cười trả lời "Lần sau em sẽ bắt", đáng đời anh ta, chưa chi đã cười điệu với bọn con gái. Tôi nhìn Minh, mặt anh ta vẫn còn đỏ bừng.

      Sau khi chúng tôi đến đây được một tuần, người ta bảo chúng tôi đến gặp các viên chức di trú. Anh Vantha cũng đến, nhưng bước qua phía đối diện với văn phòng. Chúng tôi thì ngồi trong văn phòng di trú cùng các gia đình khác, chờ anh đến. Chị Ry và anh Than trách chị Ra đã không bảo anh Vantha vì cách xử sự của anh. Chị Ra bảo anh ấy sẽ đến đây liền, chị còn nói thêm, anh ấy là một tên khùng, gặp việc như ngày hôm nay mà còn đi chơi loanh quanh. Chúng tôi chong mắt ra cửa, nhưng chẳng thấy tăm hơi. Đến khi người ta gọi tên anh, tất cả chúng tôi đều đứng dậy, nhăn mặt nhìn nhau. Rồi đột nhiên khuôn mặt nhơn nhơn của anh xuất hiện ở cửa. Đây không phải là lần đầu tiên anh đùa với sự lo lắng của chúng tôi. Hình như anh rất vui thú khi làm cho chúng tôi tức điên lên.
      Sau khi gặp các nhân viên di trú, anh Vantha nói rằng anh đã thay đổi ý định. Anh không muốn chúng tôi đến với chú Seng nữa. Thay vì đến Portland Oregon, anh rất sung sướng được di cư đến nơi khác. Anh nói anh sẽ đến bất cứ nơi nào sở di trú chỉ định và chúng tôi phải đi theo anh.
      Anh cười tự mãn. Chị Ra không chú ý đến anh mà chỉ lo bế ẵm Syla trên tay. Chị Ry tức giận, mặt đỏ bừng lên. Anh Than thì im lặng, giữ nguyên suy nghĩ của mình, Savorng và Map thì chau mày nhìn anh Vantha. Nhiều người tị nạn Cambodia mong muốn một cách tuyệt vọng gởi thư và đơn xin nhập cư đến các toà lãnh sự của Mỹ, Úc, Canada hay bất cứ quốc gia nào khác vui lòng đón nhận họ. Họ lo lắng cho số phận của họ và cầu nguyện đêm ngày cho người ta nhớ đến họ, thế mà ông anh rể của tôi thì chẳng hề biết ơn cái vận may của mình chút nào.

      Bạn tôi, Sothea, dẫn tôi đến Phase I, một bệnh viện lo chăm sóc y tế cho người tị nạn. Trông giống hệt một bệnh viện ở Phnom Penh, chung quanh trồng hoa đủ màu và cây cối. Đường đi trải nhựa, đường vườn hoa lát đá. Lâu lắm rồi tôi mới thấy lại được một nơi khang trang như thế này.
      Sothea dẫn tôi đi dạo một vòng trong toà nhà, chỉ cho tôi xem phòng kiểm tra sức khoẻ với những ghế ngồi, bích chương và thiết bị tôi chưa từng thấy bao giờ. Tại bàn phía trước, nơi người ta nhận bệnh nhân, có một quầy gỗ dài, nhẵn bóng với một vài chiếc ghế xinh xinh phía sau. Có cả điện thoại. Chưa bao giờ tôi thấy một nơi dành cho người tị nạn mà lại đẹp đẽ, hiện đại như thế này. Và tiệm thuốc cũng rất đẹp. Trên kệ, chai, hộp thuốc sắp xếp ngăn nắp. Nhãn, tên thuốc đập vào mắt tôi. Đột nhiên bóng tối của một kỷ niệm vụt đến với tôi. Nó mang tôi lại thời còn ở Phnom Penh, đến bàn đựng thuốc của Pa. Đó là thời mà ông săn sóc tôi khi tôi bị bệnh suyễn.
      Sothea giới thiệu tôi với một số nhân biên bệnh viện, Bác sĩ Sophon, một người Cambodia gốc ở Canada, Mary Bliss, một y tá Mỹ tình nguyện và bác sĩ Trần, trước đây là bác sĩ y khoa ở Việt Nam. Lạ thay, tôi bắt tay họ một cách hết sức tự nhiên. Đột nhiên tôi thấy mình là người lớn, đã trưởng thành rồi.
      Sothea sắp đi Mỹ và cần một người thay thế cô làm thông dịch viên y tế. Nó hỏi tôi có thích việc này không. Tôi trả lời còn hơn là thích nữa! Nó cũng cười vì sự phấn khích của tôi.
      Bây giờ thì một trong những giấc mơ của tôi sắp sửa được thực hiện. Tại Khao I Dang, tôi rất muốn học tiếng Anh. Tôi cũng vô cùng muốn làm thông dịch viên y tế. Đôi khi tôi mơ khi đang học tiếng Anh. Tôi sẽ dịch cho bệnh nhân và làm việc với các y tá và bác sĩ. Đó là một phần thưởng khi được giúp những người tị nạn bạn của tôi, những người đã trải qua nhiều thống khổ đến như vậy. Bây giờ giấc mơ đó đang trở thành sự thật. Có lẽ rồi giấc mơ kia rồi cũng sẽ thành sự thật khi tôi đến Mỹ. Tôi nhớ điều mình đã hưá khi chôn cất chị Chea: "Chị Chea ơi, nếu em còn sống sót, em sẽ học ngành y. Em muốn giúp đỡ người khác vì em đã không giúp được chị. Nếu em chết ở đây, em sẽ học ngành y ở kiếp sau".

      Anh Than phàn nàn rằng không có ai chịu dạy tiếng Cambodia cho Map. Anh nghĩ rằng, Map, đã bảy tuổi, phải học tiếng Cambodia bởi vì đó là ngôn ngữ chính của nó. Anh nói rằng anh sẽ dạy Map, vì chúng tôi không còn Pa hay Mak đảm trách vai trò đó nữa. Tôi hãnh diện vì anh đã nghĩ đến Map. Tôi lắng nghe anh nói và liếc nhìn anh dạy Map trong khi tôi đang học các thuật ngữ y khoa trong cuốn Cẩm nang y khoa Cambodia mà Sothea đã cho tôi. Tôi chú ý anh Than hý hoáy viết vội vào sổ tay. Thật sung sướng khi thấy anh tôi tự nắm lấy trách nhiệm của mình.
      Đại ka Forum
      Vip Member

      Gender : Nữ

      Posts : 7493

      Points : 116345

      Liked : 7676

      : 18/04/1993

      #96

       28/7/2011, 11:10

      Anh Than đọc lại bảng mẫu tự Cambodia, rồi anh bảo Map lập theo anh. Sau vài lần, anh bảo Map lặp lại một mình. Map có vẻ chán, không chú ý. Nó bảo anh Than nó muốn ra ngoài chơi. Anh than bảo nó phải học tiếng Cambodia và yêu cầu nó phải lập lại theo anh. Map lắp bắp đọc theo anh. Sau đó anh bảo Map đọc lại các mẫu tự một mình. Map chỉ có thể nhớ được vài ba chữ. Điều này khiến anh Than giận điên lên, anh nện một cú xuống vai Map.
      Map bật khóc. Anh Than đưa tay lên doạ đánh nữa. Map sợ co rúm người lại. Nó nhìn tôi cầu cứu, nhưng tôi không muốn nói gì vì anh Than đã 18 tuổi rồi, lớn hơn tôi. Với lại anh sẽ chẳng thèm nghe tôi vì tôi đã không nghĩ đến việc dạy Map như anh đã làm.
      Map vừa khóc tức tưởi vừa lập lại theo anh. Sau đó anh Than bảo nó đọc lại mẫu tự một mình. Map đọc được vài chữ, rồi ngưng lại, mắt nhìn có vẻ chuẩn bị chờ đợi bị đánh thêm. Anh Than lại nện vào vai nó và nói "Chừng đó chữ mà mày không nhớ được à? Có khó gì đâu. Mày ngu lắm!" Anh trừng mắt nhìn Map.
      "Nó không có ngu", tôi bảo anh Than, giọng tôi phát ra lớn hơn tôi muốn "Nó mới bắt đầu học, thế mà anh lại muốn nó biết hết mọi chuyện. Thầy giáo gì mà như anh vậy?"
      "Mày đừng có bảo tao phải làm gì!" Anh nạt lớn "Tao muốn dạy nó. Nếu không có ai dạy nó cả, làm sao nó đi học được?"
      "Anh đâu có dạy nó, anh chỉ hành hạ nó thôi". Tôi không biết từ đâu những lời lẽ đó vọt ra khỏi miệng tôi.
      chị Ry hiện ra trên cầu thang và tôi không ngần ngại kể cho chị nghe chuyện đã xảy ra. Tôi cũng bảo chị tôi nghĩ gì về anh Than, về cách anh dạy và phạt Map. Map đứng dậy và chạy đến chỗ chị Ry. Anh Than nhìn tôi, anh bảo tôi chỉ giỏi chỉ trích mà không chịu giúp anh dạy Map. Lúc đó tôi không biết nói sao vì quả thực tôi chưa bao giờ dạy Map cái gì hết.
      Rồi tôi nhớ ra điều người lớn thường nói "Một người thầy giáo tốt là một người phải kiên nhẫn mới dạy học sinh được". Quan sát anh Than, tôi thấy anh không phải là người kiên nhẫn, vì thế anh không phải là thầy giáo tốt được. Trái lại, anh chỉ là một ông anh độc đóan. Khiếp sợ vì những gì anh Than đã làm, chị Ry, hai mươi tuổi, bảo anh không cần phải lo âu về Map nữa, nó mới có bảy tuổi. Từ đó anh Than thôi không dạy Map nữa.
      Anh Than giận tôi vì tôi đã cao giọng với anh. Nhưng làm sao tôi không cao giọng khi anh đối xử với Map theo kiểu đó? Anh Than muốn tôi xử sự như một cô gái Cambodia đúng cách, nhưng tôi không còn có cách xử sự nào khác được nếu tôi cảm thấy một ai đó bị tổn thương.
      Tối hôm sau, nằm ngửa học với cuốn cẩm nang y tế dựng trên ngực, tôi không thể nén cười khúc khích. Tôi vừa buồn cười vừa bối rối . Bụng tôi bắt đầu đau, gò má mệt vì cười. Nước mắt cũng bắt đầu chảy ra trên khoé mắt.
      "Em cười cái gì vậy?" chị Ry hỏi và nhăn răng ra cười theo.
      "Ồ, có gì đâu", tôi trả lời nhưng vẫn không thể ngưng cười.
      "Nếu không có gì, sao em cứ cười mãi vậy?"
      Tôi vừa cười như nắc nẻ vừa lắc đầu. Chị Ry đi đến bên tôi, mỉm cười, cố hỏi để cho biết chuyện gì. Cuối cùng tôi bảo "Được rồi". Tôi kể cho chị lâu nay tôi học các thuật ngữ y tế cho công việc của tôi ở Phase I. Chị nhìn tôi như muốn hỏi, như vậy có gì đâu mà buồn cười. Tôi bảo chị học và nhớ các từ ấy thì không có gì đáng cười hết, nhưng điều khiến tôi buồn cười là tôi sẽ bối rối khi tôi phải dịch cho các ông các bà những danh từ liên quan đến hệ sinh dục, những bộ phận kín của họ. "Em làm thế nào mà dịch cho các bệnh nhân lớn tuổi hơn khi em phải nói những thuật ngữ đó. Em còn nhỏ mà, chị Ry?" Tôi bày tỏ. Tôi đọc lại những từ sẽ gây khó khăn cho tôi khi phiên dịch. Chị Ry cười. Chị nói có lẽ dần dần tôi sẽ bớt mắc cở đi. Nhưng tôi bảo chị rằng tôi sẽ hổ thẹn chết người khi dịch những từ đó.
      Chị cười chế giễu và nói "Sao, chứ không phải em là người tình nguyện làm việc trong lãnh vực y tế à?"
      "Em biết, em sẽ là một người chuyên nghiệp và em sẽ không bật cười đâu!"

      Tôi sung sướng được làm việc tình nguyện tại Phase I. Khi tôi tới đó, tôi trông đợi để được giúp bệnh nhân. Tôi làm việc hăng hái như một người bán hàng. Qua cửa sổ vuông có chấn song của hiệu thuốc, tôi quan sát khách hàng người Cambodia, Cambodia lai Trung Quốc, Việt Nam, Trung Quốc. Vừa thấy họ tới, tôi lao ra bàn giấy phía trước hỏi họ cần gì. Nếu không chắc họ là người Cambodia, tôi sẽ hỏi "Tôi giúp được gì?" Nếu họ là người Việt Nam, tôi sẽ để Bác sĩ Trần khám cho họ. Nếu là người Cambodia, tôi sẽ hỏi họ về bệnh, tập trung thông tin lại trước khi họ gặp người chuyên trách.
      Sau khi dịch xong, tôi sẽ lấy thuốc theo toa của họ. Tôi rất giỏi đọc chữ viết thảo của Mary, bác sĩ Sophon và bác sĩ Trần. Khi chúng tôi không bận, tôi ở luôn trong hiệu thuốc. Tôi nhìn rồi đọc nhãn hiệu trên mỗi chai, lọ hộp thuốc, suy nghĩ về thành phần của mỗi loại thuốc, và cách nó làm cho bệnh nhân khoẻ hơn.
      Đôi khi ngồi rảnh, tôi lấy phù hiệu ra khỏi áo và nhìn nó một cách say mê. Trên phù hiệu này có một tấm ảnh nhỏ của tôi đang mỉm cười, tôi cắt ra từ bức ảnh lớn chụp từ buổi tiệc sau khi tôi xong khóa ESL. Vào tuổi 16, tôi hãnh diện về mình. Tôi nhìn vào phù hiệu nhiều lần, và thấy hạnh phúc vì công việc mình đang làm.

      Tôi ngồi trên chiếc ghế đẩu trong hiệu thuốc chờ các bệnh nhân người Việt mà bác sĩ Trần vừa khám xong. Một vài người đàn ông Việt trẻ tuổi tiến lại cái cửa sổ có chấn song của tiệm thuốc. Họ nói chuyện với nhau và mỉm cười. Mỗi người đưa cho tôi toa thuốc của mình và nhìn tôi có vẻ háo hức. Tôi nhặt một toa lên. Tôi đọc tên thuốc rồi tìm thuốc trên kệ. Khi tôi đang gói những viên thuốc trắng đó lại, tôi thoáng nghe các từ "beautiful" và "I love you" do một người trong bọn họ nói. Khi tôi đưa thuốc cho bệnh nhân, tôi nhìn thấy một khuôn mặt bẽn lẽn, lúng túng của anh ta. Tôi trốn chạy bằng cách lấy một toa thuốc khác và tìm thuốc. Khi tôi đang giúp đỡ mọi người, người bệnh nhân bẽn lẽn đó nói với tôi câu "Tôi yêu cô" bằng tiếng Việt. Dù tôi hiểu câu đó, tôi chỉ tặng lại cho anh ta một nụ cười thân thiện, giả vờ như tôi không hiểu gì. Đột nhiên anh ta bước lại gần tôi hơn và nói "I love you" bằng tiếng Anh. Tôi chẳng biết phải phản ứng ra sao nên tốt nhất là không nói gì hết. Bạn anh ta cười nho nhỏ rồi nói điều gì đó với anh ta bằng tiếng Việt.
      Thật lạ lùng tuy nhiên cũng rất hấp dẫn khi biết đàn ông bị tôi cuốn hút. Có lẽ Om Soy nói đúng. Rằng dù tôi còn nhỏ, tôi trông chín muồi hơn tuổi. Vì thế người ta xem tôi là phụ nữ chứ không phải là cô gái vị thành niên. Tôi thì không muốn thô lỗ với bất cứ ai, nhưng tôi không hề được hướng dẫn phải xử sự như thế nào trong những thời điểm tế nhị như thế.

      Ratha nói với tôi có một bác sĩ đang cần người thông dịch. Tôi bèn chạy vội xuống phòng sảnh lớn và vào thử một phòng khám sức khoẻ, nhưng không có ai ở đó. Tôi bước qua phòng kế cận, thấy cửa đang khép hờ. Tôi nghe thấy một giọng nói đang cố nói tiếng Cambodia. Tôi nhìn vào, đột nhiên một cặp mắt đen nhìn lại tôi. Chắc là một bác sĩ mới? Tôi tự hỏi. Tôi chưa bao giờ gặp anh trước đây. Anh mang một ống nghe quàng quanh cổ. Anh trông giống người Phi. Trẻ trung, hấp dẫn, mái tóc đen, sáng và đôi mắt đen với hàng mi dài.
      Bị bắt gặp đang nhìn trộm, tôi cần thời gian để lấy lại tư thế. Tôi hít một hơi dài, lấy bình tĩnh rồi gõ cửa.
      Đại ka Forum
      Vip Member

      Gender : Nữ

      Posts : 7493

      Points : 116345

      Liked : 7676

      : 18/04/1993

      #97

       28/7/2011, 11:10

      "Mời vào".
      Tôi tự giới thiệu, nói tên mình và tôi đang làm gì ở đây. Anh ta đứng lên và nói "Tôi là bác sĩ Tanedo, Achilles Tanedo". Anh đưa tay bắt tay tôi, tôi bắt tay lại, không hề bối rối, ngượng ngùng. Bà Marie hẳn phải hãnh diện vì tôi.
      Tôi dịch cho người bệnh nhân, nhưng nói thêm với người bác sĩ là tôi chưa từng thấy anh ở đây. Anh nói phần lớn thời gian anh làm ở bệnh viện. Bệnh viện? Tôi không hề biết trại này lại có cả một cái bệnh viện. Nhưng tôi không hỏi thêm. Cái tôi muốn là thiết lập một mối quan hệ, và điều này xem ra không khó. Tôi hỏi bệnh nhân những vấn đề liên quan đến bệnh của bà. Trong chừng mười phút, bác sĩ Tanedo viết cho bà toa thuốc, và khi đó trí tôi đã nằm nơi tiệm thuốc, cố tìm thuốc của bệnh nhân này ở trên kệ.

      Chị Ry sung sướng gọi tên tôi nhiều lần như thể cố nhớ cái tên đó "Athy, Athy. Chị vừa nhận được thư. Chúng ta sẽ đi đến với chú Seng".
      Tôi nhìn chị, lây theo sự hớn hở của chị. Tôi vừa phấn khích vừa hoài nghi.
      Chị Ry lấy hơi, cố bình tĩnh rồi giải thích. Chị nói "Em có nhớ chị kể về một người bạn chị nhờ giúp chị viết một lá thư không? Em có nhớ anh Vantha, anh ấy muốn đi bất cứ nơi nào không?" chị ngừng nói như để tôi kịp hiểu hết những gì vừa nghe đã.
      Tôi đưa tay đón lấy lá thư từ tay chị, vừa nhớ những gì chị nói. Chị nhờ một người bạn viết hộ một lá thư nhân danh chúng tôi xin cho chúng tôi được đến với chú Seng ở Oregon chứ không phải được đưa tới đâu một cách tình chờ như anh Vantha đã doạ. Tôi mở lá thư mỏng ra và đọc lời đáp "Xin bảo mấy đứa trẻ rằng P.A. đã xếp ông Leng Seng vào loại có khả năng bảo lãnh và không hề nói "đi bất cứ nơi đâu". (Ký tên) T.P." – tôi há hốc mồm, mắt mở tròn. Cơn vui sướng bùng nổ qua miệng tôi – tôi gào lớn.

      Hôm nay tôi không có nhiều thân chủ, nhưng tôi thấy mệt và đói. Xong việc, tôi đi bộ chầm chậm về nhà. Trời vẫn còn sáng. Một vài gia đình ngồi trước nhà. Rồi một người phụ nữ mặc chiếc váy dài, chạy ra khỏi một căn hộ, a chính là căn nhà của tôi. Chị chạy như thể đang chạy đua về phía tôi. Chị Ry?
      Mỉm cười, tôi đứng dừng lại, nhìn chị chạy. Tôi thấy vui – chị tôi lại chạy giống như một cô gái nhỏ đang hớn hở vì được quà. Mặt chị rạng rỡ. Chị nắm lấy vai tôi, lay tôi rồi nói "Chúng mình sắp đến với chú Seng rồi, sắp đi rồi…"
      "Thật hả?"
      Chị gật đầu, rồi nhảy tưng lên, tôi cũng nhảy theo. Chúng tôi chẳng cần biết trông chúng tôi điên như thế nào trước mắt hàng xóm nữa. Chúng tôi quên hết, chỉ biết đến niềm vui của chính mình. Khi bình tĩnh lại, tôi hỏi có phải chị nghe gọi tên gia đình và số BT (Số phân cho mỗi gia đình) của chúng tôi đọc trên loa phóng thanh không. Chị gật đầu liên tục.
      Đưa mắt nhìn trời, tôi nhắm mắt lại và mỉm cười. Đột nhiên tôi ở trong một thế giới cho tôi hy vọng và khiến tôi trôi nổi bồng bềnh. Mỗi bộ phận trong cơ thể tôi đều thưởng thức cái hương vị lâng lâng, khó tả đó. Chân tôi như tự động nhấc tôi lên, cứ thế tôi nhảy múa trên con đường trải nhựa. Chị Ry quan sát tôi, cười vang. Ngày hôm nay, tôi muốn làm lễ mừng cho vận may của chúng tôi.
      Tôi trông mong một đời sống mới ở xứ lạ, tuy vậy lòng tôi vẫn bồn chồn, sợ hãi. Mọi thứ có vẻ đầy hy vọng, tuy nhiên khá trừu tượng. Điều chưa biết làm tôi hoang mang. Có lẽ đôi với những cô gái Mỹ hoặc Cambodia trạc tuổi tôi còn có cha mẹ thì khác. Còn tôi tại Mỹ, tôi là một đứa trẻ mồ côi, tôi không còn Pa, hoặc Mak. Tôi thấy thiếu chắc chă"nó, bất an bởi vì cuộc sống của tôi lâu nay rất khác với cuộc sống trong tương lai. Tôi ước chi mình có thể vạch kế hoạch rõ ràng, sắp đặt nó rõ ràng như một cuốn lịch.

      Tôi chỉ còn vài ngày nữa để chuẩn bị rời khỏi nơi đây. Tôi dựng lên một danh sách trong đầu những người bạn tôi muốn đến chào tạm biệt. Một trong những người đó là một bệnh nhân, một bà già dễ thương, mắt không nhìn rõ và chân yếu. Khi thông dịch cho bà, bà gọi tôi là "con" bằng một giọng trìu mến, còn tôi gọi bà là Om, bà cô, vì có lẽ bà lớn hơn Mak nhiều. Đến thăm bà, bà giữ tôi ở lại rất lâu. Trước khi tôi về, bà còn bảo tôi cầu nguyện Đức Phật với một Kompee, tức là một bó gỗ sồi buộc chặt ghi lời kinh Phật, người cầu nguyện thắp nhang, khấn thầm điều muốn rồi đút nén nhang vào đó. Chỗ đầu cây nhang chạm vào sẽ cho thấy tương lai của mình. Chiều lòng bà, tôi khấn vái Kompee. Tôi khấn "Xin cho con được gặp vận may, vận tốt. Xin Trời Phật giúp con ở Mỹ". Cuối cùng, lời tiên đoán trong Kompee là tôi sẽ gặp vận tốt, một người đàn ông giàu có sẽ tìm ra tôi và giúp đỡ tôi mọi đường. Om mừng, cả tôi cũng cảm thấy nhẹ nhõm.
      …Rồi ngày cuối cùng cũng đến. Tôi đã gói ghém mọi thứ: ít áo quần, vài cuốn tập, sổ, cuốn Essential English Book I, các bức ảnh gia đình tả tơi mà tôi còn giấu được, cuốn tự điển y khoa Sothea cho tôi, một gói nhỏ được vài thứ thuốc phòng có ai bệnh trên máy bay. Tôi cũng để luôn vào gói thẻ chứng minh tôi làm ở Phase I phòng có ai hỏi về nguồn gốc số thuốc. Tôi bảo chị Ry tôi đã gói ghém xong mọi thứ, rồi chạy xuống cầu thang và gọi với lên cho chị rằng tôi cần đến Phase I. Tôi phải chào tạm biệt các bạn tôi.
      Trên đường ra khỏi trại, tôi chạy ba chân bốn cẳng. Nước mắt tôi ứa ra khi tôi nghĩ đến việc rời bỏ trại PRPC (trại người tị nạn ở Philippines) này. Tôi hy vọng chốc nữa họ vẫn còn ở đó, tôi không muốn rời nơi đây mà không từ giã họ. Tôi cũng đã báo cho mọi người ở Phase I rằng tôi sẽ đi Mỹ. Nước mắt chảy tràn trên gò má tôi.
      Đột nhiên có tiếng gọi sau lưng tôi "Chanrithỵ Chanrithy".
      Tôi quay lại, đưa mắt tìm người gọi. Một người phụ nữ Mỹ đang chạy vội về phía tôi. Mary Bliss? Cô cười và chạy nhanh thêm, nhảy qua cả bồn hoa bên cạnh đường.
      Tôi cười nói "Mary, em sắp qua Mỹ ngày hôm nay đây. Em định tìm chị để chào chị đó".
      "Thì mình có nghe vậy từ những người trong bệnh viện. Đó là lý do mình đến tìm bạn đây, để mình có thể nói lời từ biệt với bạn". Cô nhìn, rồi ôm choàng lấy tôi.
      Cô đưa cho tôi địa chỉ của cô ở Washington DC, và bảo tôi viết thư cho cô, cô có thể viết thư giới thiệu cho tôi một việc làm ở Mỹ. Nhìn vào cặp mắt ướt rượt của tôi, cô xin lỗi không thể chào tôi sớm hơn vì vừa rồi cô đi sang miền quê Thái Lan. Biết tôi còn ít thời gian, cô chào tạm biệt và chúc tôi may mắn ở đời sống mới tại Mỹ.
      Tôi chùi nước mắt và chạy vội đến phòng chuyên khoa. Tôi đến bàn giấy phía trước để xem bác sĩ Tanedo có đến bên đó không, nhưng hôm nay anh chỉ làm ở bệnh viện thường thôi. Họng tôi thắt lại. Khi người y tá nghe tôi sắp rời đây, cô liền gọi điện cho Tanedo ở bệnh viện, và nghe anh nói anh sẽ tìm gặp tôi trước khi tôi đi kiểm tra sức khoẻ bắt buộc trước khi lên máy bay.
      Đại ka Forum
      Vip Member

      Gender : Nữ

      Posts : 7493

      Points : 116345

      Liked : 7676

      : 18/04/1993

      #98

       28/7/2011, 11:10

      Tôi cười, cám ơn rồi chạy như bay ra khỏi cửa. Tôi không nén nổi một nụ cười rạng rỡ. Trước đây người xung quanh hay trêu tôi về bác sĩ Tanedo, nhưng tôi chẳng cần. Tôi quả có thích anh và anh tỏ ra rất tốt với tôi.
      Tôi về nhà thì bác sĩ Tanedo đã có ở đó rồi. "Chào bác sĩ, cám ơn bác sĩ đã đến chào tạm biệt em". Tôi kêu lên, cười tươi như hoa nhưng cũng bối rối vì anh cứ nhìn mãi vào tôi.
      Anh cười đáp lại và bảo rằng anh đến ngay khi nghe tôi sắp rời khỏi nơi đây. Anh thật tốt khi phải bỏ thời gian đến chào tôi. Tôi lúng ta lúng túng, mắc cở. Tôi hạ mắt nhìn xuống đất, rồi mới chợt nhớ phải giới thiệu anh với chị Ra, chị Ry và anh Than chứ. Anh đưa tay bắt từng người. Anh rất nghi thức và thành thạo nữa.
      Rồi anh hỏi tôi "Chanrithy, em định làm gì ở Mỹ?"
      "Em muốn đi học lại, chắc sẽ học ngành y.Có lẽ em đi học lại cũng là quá muộn. Em đã 16 tuổi. Em đã không học một trường chính thức nào từ bảy năm nay, khi Cambodia sụp đổ và rơi vào tay Khmer Đỏ". Tôi cúi đầu nhìn xuống đất, thấy tủi thân khi thời thơ ấu của mình đã trải qua suốt dưới chế độ Khmer Đỏ và các trại tị nạn. Tôi thấy mình lạc hậu. Tôi sợ hãi nước Mỹ, đất nước mà tôi đợi chờ để đi đến, bây giờ lại làm cho tôi sợ.
      "Chanrithy, em vẫn còn trẻ lắm, chỉ mới 16 tuổi. Em vẫn có thể đi học…" Bác sĩ Tanedo nhìn tôi đầy vẻ thông cảm. Anh cúi xuống tìm mắt tôi rồi nói "Ở Mỹ, em có thể học bất cứ cái gì em muốn".
      Giọng nói nhẹ nhàng, đây hy vọng của anh giúp tôi can đảm. Tôi đưa mắt lên nhìn anh. Từ trong lòng, tôi muốn nói "Thật hả? Em có thể học bất cứ cái gì em muốn? Thế thì em sẽ học nhiều thứ lắm…"
      Cặp mắt anh nói rằng tôi có thể. Tôi cảm thấy dễ chịu, an ủi. Anh là người đầu tiên tôi chia sẻ cả niềm hy vọng và nỗi sợ hãi. Bây giờ tôi thấy gánh nặng đã được cất đi, tôi biết ơn anh biết chừng nào.
      "Athy ơi, người ta đã đi đến chỗ kiểm tra sức khoẻ rồi đó!" Chị Ry chỉ về phía sân trước. Nhiều gia đình mang hành lý và trẻ em đi về phía một dãy lều rộng dùng làm nơi kiểm tra sức khoẻ.
      Tôi đưa mắt nhìn bác sĩ Tanedo. Tôi không muốn nói lời từ biệt. Anh đề nghị để anh xách hộ cái túi vải len của tôi. Tất cả chúng tôi đi vội về phía lều.
      Đến lều, người ta gọi tên anh Vantha. Anh lo lắng chạy ùa vào trong lều, và chị Ra, tay bế Syla cũng bước vào, vừa đưa mắt ra hiệu cho chúng tôi vào theo. Chúng tôi cùng vào. Một phụ nữ người Phi ra lệnh cho anh Vantha cởi bỏ quần áo trước mặt chúng tôi. Anh từ chối ngay lập tức. Khi đó người phụ nữ kia mới ra lệnh cho chúng tôi đi ra ngoài.
      Ra khỏi lều, tôi ném cho người đàn bà này một cái nhìn đầy tức giận vì bà đã coi thường chúng tôi. Bác sĩ Tanedo bèn hỏi tôi có chuyện gì, tôi giải thích, anh bèn đề nghị chúng tôi đưa hồ sơ cho anh.
      Rồi bác sĩ Tanedo đi hết lều này sang lêu khác, nópi với các nhân viên y tế người Phi bằng chính tiếng nước anh. Chúng tôi chỉ còn việc đứng gần anh là đủ. Các người kia chỉ liếc nhìn chúng tôi, rồi tập trung chú ý vào bác sĩ Tanedo. Chị Ry cười, liếc nhìn tôi, rồi nhìn Tanedo. Cuối cùng chị cũng thốt ra "Không tệ đâu, Athy. Em có một người bạn bác sĩ giúp đỡ tụi mình rất nhiều". Thấy tôi cười, chị cũng khúc khích. Chị Ra cũng cười, Savorng và Map hình như cũng hiểu, cười theo. Anh Vantha thì nở một nụ cười yếu ớt.
      Liền đó Tanedo trở lại với tôi và nói rằng tất cả chúng tôi đã xong thủ tục. Anh dẫn chúng tôi về phía một hàng xe buýt dọc theo con đường trải đá. Trên con đường nhựa, bên cạnh các chiếc xe, hàng cụm gia đình đứng với hành lý, mặt đỏ bừng, mắt sưng vù. Một cô gái trẻ đứng khóc bên cạnh một người đàn ông vẻ mặt buồn buồn. Nhìn vào cô gái, tôi cũng khóc theo. Chị Ry quệt nước mắt. Ru Syla đang ngủ trong tay, chị Ra cũng cố giấu nước mắt. Phần lớn phụ nữ đều khóc, đàn ông thì chỉ buồn. Người ta nói lời từ biệt và nhắc nhau đừng quên viết thư.
      Âm thanh của tiếng nức nở càng vang dội. Rồi người ta gọi từng gia đình. Mọi người lên xe. Đột nhiên tên tôi được gọi. Tôi muốn nói với bác sĩ Tanedo rằng tôi rất nhớ anh. Nhưng khi nhìn anh, tôi chỉ có thể khóc. Người ta nhìn tôi, nhưng tôi chỉ khóc. Không tiếng nào lọt khỏi miệng tôi. Lưỡi tôi như bị dính lại.
      "Athy ơi, nhanh lên", chị Ry vẫy tôi từ chỗ xe buýt. Map và Savorng thì nhăn mày nhìn tôi vì thấy tôi quá chậm. Ôm Syla trong tay, chị Ra cũng hối tôi. Chị đứng bên cạnh Vantha khi họ chen chúc bước lên bậc xe. Anh Than thì đã ở trên xe rồi.
      Lúc đó, tôi mới chạy ùa đến xe. Khi lên rồi, chờ được xếp chỗ bên cạnh chị Ry và Map, tôi mới nhớ ra là mình đã quên không chào từ biệt bác sĩ Tanedo lần cuối. Tôi muốn nhìn ra cửa sổ xe, và anh vẫn đứng đó nhìn tôi. Tôi muốn chạy xuống nhưng lúc đó người ta vẫn chen chúc lên xe.
      Xuân Quý
      Administrator

      Gender : Nam

      Posts : 6110

      Points : 3899

      Liked : 4048

      : 05/02/1990

      #99

       28/7/2011, 11:20

      Còn nữa :s :s :s Không?
      Đại ka Forum
      Vip Member

      Gender : Nữ

      Posts : 7493

      Points : 116345

      Liked : 7676

      : 18/04/1993

      #100

       28/7/2011, 18:44

      đoạn cuối nèk.....



      "Athy, Athy!" có tiếng gọi rồi tiếng đập khẩn cấp nơi cửa sổ gần tôi. Tôi quay người lại, qua hàng nước mắt tôi thấy khuôn mặt mếu máo của Sereya, bạn tôi. Tôi xê lại gần cửa sổ. Khuôn mặt mếu máo của Sereya lại nở ra một nụ cười "Mình cố chạy nhanh hết sức để có thể đến đây trước khi bạn đi mất. Athy ơi, mình sẽ nhớ bạn lắm".
      Tôi bảo nó đừng khóc vì nó chỉ làm cho tôi khóc thêm mà thôi. Nhưng nó đâu nghe, nó khóc oà lên và tôi úp mặt vào hai tay.
      "Chanrithy?" một giọng nói dịu dàng cất lên, tôi quay đầu về phía tiếng nói. Bác sĩ Tanedo đang ngồi bên cạnh tôi.
      "Ôi, bác sĩ Tanedo!" tôi thở ra, hạnh phúc nhưng đồng thời cũng rất buồn.
      "Tôi đi với em một quãng, khi gần đến bệnh viện, tôi sẽ xuống ở đó".
      "Cám ơn anh", tôi nói nhỏ, đưa tay quệt mắt. Tôi cảm thấy một bàn tay dịu dàng đang nắm lấy tay phải của tôi. Tôi nhìn Tanedo, anh nói nhỏ baỏ tôi đừng khóc. Tôi muốn nói tôi không ngừng được, nhưng tôi chỉ có thể lắc đầu.
      "Athy,bạn đang rời chúng tôi. Bạn đi rồi, không ai có thể làm cho chúng tôi cười nữa khi bạn đi rồi", Sereya nói, nhớ lại chuyện đã qua. Tôi nghẹn họng, bật cười rồi lắc đầu.
      Quên mất mọi người trên xe ngoại trừ bác sĩ Tanedo, tôi bảo Sereya rằng trong nỗi buồn này, nó nhắc tôi về tiếng cười mà tôi mang đến cho nó và cho bạn bè. Con nhỏ bạn này quái quỷ thật! Tôi trêu nó. Nó cười khúc khích, quên cả buồn.
      Cảm thấy mình ngu ngốc vì cười vang trng nước mắt giàn dụa, tôi giải thích với bác sĩ Tanedo. Anh nhìn tôi và nở một nụ cười buồn, rồi tay anh nắm chặt lấy tay tôi. Tôi cảm thấy dễ chịu. Nhưng khi xe buýt khởi hành, Sereya khóc thét lên, lại đập tay vào cửa sổ. "Từ biệt, Athy, từ biệt!" Nó gọi lớn.
      Xe chạy, Sereya chạy theo một lúc. Rồi xe tăng tốc, Sereya lại khóc nức. Tôi lấy tay che mặt, khóc nức nở.
      "Nào Chanrithy, Chanrithy, đừng khóc nữa" Tanedo thì thầm, tay anh vỗ nhẹ lên tay tôi nhiều lần.
      Xe buýt ngừng, Tanedo đứng lên, nhìn tôi một lúc rồi chào tạm biệt và chúc tôi may mắn.

      Đêm đón chào chúng tôi tại phi trường. Ánh đèn thành phố chiếu mờ mờ lên bầu trời tối đen. Mang cái xách thức ăn một tay và chiếc xách vải len nơi tay kia, tôi hít sâu cơn gió mát vào người. Tôi đi vội bên cạnh Map, Savorng và chị Ry. Anh Than ở phía trước chúng tôi. Anh Vantha ở phía trước cả anh Than. Chị Ra mệt nhọc lê bước sau anh, tay bế bé Syla vào ngực. Tôi ở đây cùng gia đình, nhưng tâm trí tôi vẫn còn ở nơi trại. Tôi nhớ các bạn hơn bao giờ hết trong đời.
      Nhưng khi máy bay cất cánh bay lên bầu trời, tôi thấy dễ chịu ngay. Chúng tôi đang băng qua đại dương, bên trên cái thế giới đã trói buộc chúng tôi. Và chúng tôi còn sống.
      Tôi nghĩ về những gì đang đợi tôi ở nước Mỹ. Tôi tưởng tượng chú Seng đang nhìn vào bức ảnh của chúng tôi gởi cho chú, nhớ lại khuôn mặt của những đưá con còn sót lại của người anh ruột mình, những kẻ mà chú không hề thấy mặt suốt sáu năm trời, kể từ ngày chú bước ra khỏi cổng nhà chúng tôi.
      Trong chiếc xách vải len tôi mang theo, còn có những bức ảnh khác, những bức ảnh cũ mòn, tả tơi mà tôi đã cố gắng gìn giữ suốt thời Khmer Đỏ, phải dời chúng từ mái lều này sang mái lều khác. Bây giờ chúng đi cùng tôi đến Mỹ, cùng với những ký ức không thể xoá bỏ về những năm tháng bi thảm của Cambodia, về Pa và Mak, về chị Chea, Avy và Vin, về hai mươi tám thành viên của đại gia đình chúng tôi và vô số người khác đã chết. Với tôi, những thứ ấy đang được chuyển an toàn đến Mỹ, một chuyến đi chỉ có thể thành hiện thực nhờ chú Seng. Chú là chiếc cầu dẫn tôi, chị Ra, chị Ry, anh Than, Map, Savorng, Syla và anh Vantha đến với cuộc sống mới. chúng tôi như những hạt bụi của lịch sử bị thổi bay đi, và chú Seng giống như bàn tay chặn cơn gió lại. Chúng tôi bỏ lại phía sau đất nước Cambodia bị nghiền nát bởi bánh xe lịch sử của Khmer Đỏ, và bay đến Mỹ. Nơi đây, chúng tôi sẽ phải tự định nghĩa lại chính mình, một hình thức tái hoá thân cho tất cả chúng tôi.


      Kết Thúc (END)
      #101